Cuối tuần bận việc không kịp về thăm nhà, mẹ lo đám rau quả mướt rượt trong vườn chắc không đợi được nên gửi theo xe người quen ra phố. Lẫn trong đám rau quả tươi mới được mẹ chắt chiu gói ghém còn có gói lá để nấu nước gội đầu hái trong vườn nhà. Lá bưởi, lá chanh, lá trầu, lá sả xanh ngắt mẹ tỉ mỉ xếp lớp rồi buộc lại bằng những sợi dây chuối màu nâu đất. Mấy quả bồ kết đã được nướng qua than hồng ánh lên màu đen nhánh. Dây hà thủ ô mẹ quấn thành những vòng tròn gọn ghẽ, hẳn là mẹ hái sau một lần lên rẫy. Mẹ bọc cẩn thận tất cả trong ngọn lá vả xanh rì, thơm ngát. Chừng ấy lá cây, bồ kết, theo xe ra phố chắc phải nấu đến mấy nồi nước gội đầu.

Tôi thích nhất gội đầu bằng bồ kết, thêm mấy thứ lá trong vườn nhà cho đượm mùi hương. Đầu xuân hoa bưởi trắng vườn, chỉ cần vươn tay là nồi nước gội đầu có thêm hương bưởi thanh thanh dịu ngọt. Hè sang, nơi vạt hàng rào có hàng hoa nhài nở bông thơm ngát. Gió chiều dìu dặt đưa hương nhài thoang thoảng khắp vườn nhà. Bà thích hái nhúm hoa nhài vào sớm mai khi mặt trời vừa he hé, cho vào bình trà xanh để hương hoa ướp thơm chén nước. Tôi lại thích hái nắm hoa be bé cho vao nồi nước gội sóng sánh. Để suối tóc mềm mượt cứ vương mãi hương hoa. Rồi thu qua đông tới, hoa trong vườn cũng thay phiên đua nở, quanh năm tỏa ngát góc vườn cũng làm tăng hương cho nồi nước gội đầu dân dã mà đậm vị hồn quê.

Tôi nhớ ngày trước, khi mẹ lúi cúi gội đầu nơi giếng nước trong vườn lúc chiều buông, tôi sẽ kê chiếc ghế ngồi dưới gốc cây lộc vừng ngay bên cạnh giếng, chỉ để được lắng nghe mùi bồ kết, mùi lá bưởi, lá chanh ngan ngát thoảng trong gió chiều mềm dịu. Mà nơi góc vườn, cây hoa mộc e ấp, thẹn thùng đang nhè nhẹ tỏa hương, khiến khu vườn cũng trở nên thanh nhã dịu dàng.

Nhà ở quê, nên lá bưởi, lá chanh không thiếu, mấy bụi sả cũng xanh um tùm, cỏ mần trầu mọc đầy đất và cả gốc bồ kết ở góc vườn năm nào cũng sum xuê trái, chỉ cần thả bộ bước chân đi quanh vườn là có ngay một nồi nước gội đầu thơm dịu mùi cỏ cây hoa lá. Có lẽ, từ bà cho đến mẹ, đều thích gội đầu bằng bồ kết, nên cây bồ kết bao nhiêu năm qua vẫn chiếm cứ ở một góc vườn.

Tôi chẳng biết cây bồ kết ấy đã bao nhiêu tuổi, nhưng thân cây cao vút. Vào mùa hoa, từ những tán lá xanh mướt chìa ra những bông hoa trắng muốt tựa như những chiếc váy trắng bồng bềnh ai treo trên cành. Những buổi sáng mùa hè rực nắng, đám chim về đậu trên cây bồ kết líu ríu cả một góc vườn. Rồi mùa thu khi hoa kết trái, nắng thu dìu dịu vẫn đủ nướng những trái bồ kết xanh rì sang màu vàng óng và chuyển dần đen thăm thẳm. Mẹ hay ra vườn, nhặt những trái bồ kết chín đen rụng đầy gốc, rồi phơi trước sân nhà. Bồ kết khô, được mẹ cẩn thận bỏ trong mấy bọc ni-lông rồi cột kỹ, kê trên chạn bếp. Mỗi lần nấu nước gội đầu, trái bồ kết được mẹ nướng trên đám than hồng cho giòn tan kêu tí tách, hương bồ kết theo làn khói xám phủ kín cả gian bếp nhỏ. Những ngày mùa đông, mẹ hay đốt ít bồ kết với vỏ bưởi trong chiếc chén cũ đặt nơi góc nhà. Hương bồ kết nồng dịu hòa cùng hương bưởi thanh thanh xóa đi cái ẩm ướt ngày mưa.

Bây giờ, dù người ở quê, cũng hiếm ai còn thích nấu bồ kết gội đầu bởi sự tẩn mẩn, tỉ mỉ khi phải chuẩn bị cho một nồi nước, nên cũng bỏ qua sự chân thành mộc mạc từ cây cỏ quanh mình. Cái cảm giác gần gũi với thiên nhiên, sự thuần khiết ngọt ngào từ hoa lá thấm vào từng chân tóc khi làn nước đượm mùi lưu luyến dội lên mái đầu khiến lòng trở nên nhẹ hẫng. Vậy nên, hương bồ kết, với đôi người vẫn cứ mãi vương vấn không thôi.

NGỌC LINH