Liên quan đến chuyện sử dụng bằng giả gây xôn xao dư luận ở Thừa Thiên Huế gần đây nhất là việc 3 cán bộ xã ở Phú Vang vừa bị phát hiện sử dụng bằng trung học phổ thông giả và bị xử lý kỷ luật. Đáng nói, có vị cán bộ từng bị phát hiện sử dụng bằng giả và bị kỷ luật, sau đó được đơn vị tạo điều kiện đi học để lấy bằng, nhưng tấm bằng thứ hai cũng là... bằng giả (!). Đây là sự cố tình lừa dối tổ chức để tiến thân, không thể chấp nhận được. Vụ việc thứ hai liên quan đến sử dụng bằng giả, với số lượng lớn xảy ra ở Trung tâm đào tạo nghề Tâm An vừa bị cơ quan công an phát hiện xử lý. Ngoài 6 đối tượng bị cơ quan điều tra khởi tố về hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, 13 đối tượng sử dụng chứng chỉ sư phạm dạy nghề giả cũng bị khởi tố về tội danh trên, với hành vi nhờ người khác làm giả chứng chỉ sư phạm dạy nghề để được tuyển dụng làm giáo viên dạy lái xe tại Trung tâm dạy nghề Tâm An. Trước đó, năm 2012, TAND thành phố Huế từng xét xử và phạt tù 4 đối tượng nằm trong đường dây làm bằng giả liên tỉnh.
Thực tế cho thấy, việc làm giả và sử dụng bằng cấp giả không còn là chuyện hiếm, thậm chí được rao bán công khai trên mạng. Người sử dụng bằng giả có đủ các thành phần từ cán bộ, công chức đến học sinh, sinh viên và sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, từ kiếm việc làm đến việc củng cố vị trí, nâng lương, thăng chức... Các loại bằng giả cũng phong phú về chủng loại, từ bằng tốt nghiệp đại học, trung học phổ thông, thạc sĩ, tiến sĩ đến các loại chứng chỉ dạy nghề, tin học, Anh văn... Nói tóm lại, “cầu” cần gì, “cung” sẽ đáp ứng. Nhiều người nhận xét, một khi bằng cấp còn là “giấy thông hành” tìm việc nhờ những điểm cộng, là cơ sở để xem xét bổ nhiệm thì bằng giả còn có đất sống.
Nói đi thì cũng phải nói lại, bản thân bằng cấp không có lỗi, bởi nó là thước đo trình độ học vấn của mỗi người. Việc căn cứ vào bằng cấp để xem xét trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm là cần thiết, để loại bỏ ngay từ đầu những người không đáp ứng được yêu cầu về trình độ. Cái đáng trách ở đây là người không đủ trình độ, tiêu chuẩn vẫn muốn đạt được mục đích mà không đổ công sức học hành. Con đường dễ dàng nhất với họ là tìm mua bằng giả. Khi những bằng giả đó được sử dụng, thì thước đo giá trị học vấn bị biến dạng và không còn chuẩn xác. Điều này làm cho người ta xót xa và phẫn nộ vì con đường tri thức đeo đuổi mất bao nhiêu năm được mua với giá rẻ mạt vài triệu đồng. Hệ luỵ của việc sử dụng bằng giả thật khôn lường, làm cho mọi người mất lòng tin vào bằng cấp, sự công bằng xã hội. Nếu những tấm bằng giả được sử dụng trong nghề y thì bệnh nhân “tiền mất, tật mang”, thậm chí mất mạng; làm giáo viên thì một thế hệ học sinh bị khuyết tật về tri thức. Tệ hại hơn, nếu người dùng bằng giả có được địa vị xã hội, tham gia vào bộ máy quản lý kinh tế-xã hội thì hệ luỵ rất lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của cả xã hội.
Để ngăn chặn nạn bằng giả, trước hết các cơ quan tuyển dụng người làm không nên tin ngay vào bằng cấp, phải xác minh lại nơi đào tạo khi có nghi ngờ. Quan trọng hơn, cần kiểm tra năng lực thực tế của người được tuyển dụng. Cái thiếu của chúng ta hiện nay là một cơ chế đánh giá bằng cấp đúng thực chất, phản ánh được năng lực mỗi người thông qua bằng cấp. Vì vậy cách thức tuyển dụng, đề bạt cần được đổi mới; trong đó việc tổ chức thi tuyển công chức, thi tuyển các chức danh lãnh đạo là việc làm cần thiết. Việc này được nhiều bộ ngành áp dụng và tỉnh ta mới đây đã tổ chức thi tuyển một số công chức cho cán bộ cơ sở; thi tuyển cạnh tranh Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông (Sở Thông tin và truyền thông). Qua thi tuyển, năng lực của cán bộ được thể hiện thông qua phỏng vấn trực tiếp, yêu cầu trình đề án, kế hoạch công việc, trình bày ý tưởng để giải những bài toán đang đặt ra cho vị trí công việc đó. Rõ ràng, với cách thi tuyển công khai thì bằng giả sẽ không còn đất sống.
Cùng với việc siết chặt việc quản lý nhà nước về bằng cấp, việc xử lý những đối tượng làm và sử dụng bằng giả là rất cần thiết. Đối với những người sản xuất bằng giả, lâu nay pháp luật khá mạnh tay, nhưng với những người sử dụng xem ra vẫn chưa đủ sức răn đe. Theo Bộ luật Hình sự, hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không chỉ đối với người sản xuất, làm giả tài liệu đó mà cả người sử dụng tài liệu giả để lừa dối cơ quan, tổ chức đều là phạm pháp. Tuy nhiên, thực tế, cơ quan tố tụng mới chỉ xử lý người sản xuất, bán văn bằng, chứng chỉ giả, trong khi hành vi của người mua thường không xác định được hoặc nếu xác định được thì chỉ xử lý hành chính… Với vụ việc ở Trung tâm dạy nghề Tâm An, các đối tượng làm và sử dụng bằng giả đều bị truy tố trách nhiệm hình sự, nhưng còn 3 trường hợp cán bộ sử dụng bằng giả ở Phú Vang mới bị kỷ luật về mặt Đảng là chưa thật thoả đáng. Rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng làm rõ nguồn gốc của những bằng giả trên và xử lý nghiêm theo pháp luật cả kẻ làm lẫn người sử dụng bằng giả, góp phần ngăn chặn tình trạng mua bán bằng cấp như trên.