Xét nghiệm HIV/AIDS tại một cơ sở y tế ở Kigali, Rwanda. Ảnh: THX/TTXVN
Trong báo cáo năm 2022, vừa được công bố hôm qua (12/9), Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét cho biết số người tiếp cận được với các nỗ lực điều trị và phòng ngừa đã tăng trở lại vào năm ngoái sau khi giảm lần đầu tiên sau gần 20 năm vào năm 2020.
Tuy nhiên, ông Peter Sands, Giám đốc Điều hành Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét - một liên minh công tư có trụ sở tại Geneva, tiết lộ rằng không phải tất cả mọi tiến bộ đều trở lại như cũ.
“Phần lớn các quốc gia đã thực hiện tốt các nỗ lực để phục hồi sau sự gián đoạn khủng khiếp năm 2020 nhưng chúng ta vẫn chưa đạt đến mức mong muốn. Còn quá nhiều người vẫn đang chết vì những căn bệnh này”, ông Sands nói với Reuters.
Cụ thể, số người được điều trị bệnh lao đã giảm 19% trong năm 2020 xuống còn 4,5 triệu người. Đến năm 2021, con số này đã tăng 12% lên 5,3 triệu người - thấp hơn một chút so với mức hơn 5,5 triệu người được điều trị trước đại dịch. Mặc dù số lượng các chương trình sốt rét và AIDS đã cao vượt mức năm 2019, nhưng tác động của đại dịch vẫn khiến các nước đi chệch hướng trong mục tiêu xóa sổ các căn bệnh này vào năm 2030.
Đồng thời, ông Sands cũng cảnh báo rằng tác động của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu - vốn đang trầm trọng hơn do cuộc xung đột ở Ukraine, sẽ khiến tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Các bệnh truyền nhiễm thường gây tử vong nhiều hơn cho những người có cơ thể suy yếu do suy dinh dưỡng, và những người này cũng không đáp ứng tốt với các nỗ lực điều trị hoặc phòng ngừa. Do đó, ông Sands cho rằng “nhiều khả năng” Quỹ sẽ phải làm việc với các đối tác để cung cấp hỗ trợ dinh dưỡng nhiều hơn nữa, từ đó có thể tiếp tục cứu sống nhiều người.
Báo cáo ước tính rằng hoạt động của Quỹ phối hợp với các quốc gia đã cứu sống được khoảng 50 triệu sinh mạng kể từ khi thành lập vào năm 2002. Từ tháng 3/2020, Quỹ đã chi 4,4 tỷ USD để giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với các lĩnh vực chủ chốt và chống đại dịch.
Để tiếp tục hoạt động, Quỹ Toàn cầu hiện đang đặt mục tiêu huy động 18 tỷ USD cho chu kỳ tài trợ 3 năm tiếp theo từ các chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân. Được biết, Quỹ hiện đã huy động được hơn 1/3 con số mục tiêu và dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị kêu gọi quyên góp vào tuần tới, do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)