Học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương trong giờ thực hành môn hóa học. Ảnh: MC
Trên thực tế, trường học nào cũng có phòng học bộ môn để giáo viên tổ chức cho học sinh thực hành những kiến thức lý thuyết đã học. Ngay từ đầu mỗi năm học, các cơ sở giáo dục đã rà soát hệ thống thiết bị, đồ dùng học tập ở phòng học bộ môn, chỉnh trang, bổ sung thêm những thiết bị cần thiết, đặc biệt là những thiết bị, đồ dùng phục vụ cho dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới.
Việc tổ chức cho học sinh học thực hành ở phòng bộ môn là hết sức cần thiết. Thông qua thực hành sẽ giúp học sinh chủ động trải nghiệm thực tế trên nền những kiến thức đã có. Từ việc giải quyết những vấn đề cụ thể học sinh sẽ rút ra được kinh nghiệm, đào sâu kiến thức sách vở để tìm đáp án. Học thông qua thực hành sẽ mang lại hiệu quả học tập tối ưu cho người học, đồng thời giúp giáo viên thay đổi “lối mòn” dạy và học truyền thống, kém hiệu quả.
Giáo viên không còn là nguồn phát kiến thức một chiều mà trở thành người định hướng, tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh. Học sinh mới là chủ thể chủ động, tích cực, sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong học tập. Theo thầy Nguyễn Ngọc Nghĩa, giáo viên dạy môn Hóa học tại Trường THPT A Lưới, học sinh hào hứng và tích cực, sáng tạo hơn khi được thực hành ở phòng học bộ môn.
Em Nguyễn Thị Nhật Hằng, học sinh lớp 11 phát biểu rằng: “Em rất muốn học các giờ thực hành, vì đó là những giờ học mà chúng em được khám phá và vận dụng kiến thức bằng việc bắt tay trực tiếp vào việc thực hiện nhiệm vụ mà thầy cô giao. Điều này sẽ giúp chúng em hiểu rõ bản chất thực tế của kiến thức được học, tự tin, chủ động trong học tập và khẳng định được bản thân”.
Để thực hiện tốt các tiết học thực hành ở phòng học bộ môn an toàn và hiệu quả, học sinh cần được học nội quy sử dụng phòng học bộ môn và tuân thủ nghiêm túc quy trình thực hành theo hướng dẫn của giáo viên và nhân viên thiết bị phòng học bộ môn. Khi dạy học thực hành, giáo viên cần giao nhiệm vụ rõ ràng, quan sát, hướng dẫn, giúp đỡ, động viên học sinh khi cần.
Giáo viên có thể tận dụng tối đa sự hỗ trợ của công nghệ thông tin để đa dạng hóa các hoạt động thực hành. Ngoài ra, giáo viên cũng có thể tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm ngoài lớp học, tạo môi trường học tập thân thiện và điều kiện tối ưu cho các em thể hiện sự sáng tạo và vận dụng những điều đã học vào thực tiễn cuộc sống.
Có thể nói, học thôi là chưa đủ, học nhưng phải biết vận dụng cái được học để giải quyết những vấn đề của cuộc sống mới thực sự có ý nghĩa. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải được đầu tư đúng mức, để ngay trong mỗi trường học những phẩm chất và năng lực của người lao động tương lai phải được dần hình thành.
Nguyễn Thị Hoa Phượng