Đoàn viên, thanh niên là những tuyên truyền viên hữu hiệu trong hoạt động phân loại rác tại nguồn
Băn khoăn thói quen khó bỏ
Lâu nay việc thực hiện PLRTN gặp khó khăn vì thói quen sinh hoạt lâu ngày của người dân. Hơn thế nữa, mỗi hộ dân cư có trình độ nhận thức, thời gian làm việc khác nhau, điều này cũng làm ảnh hưởng đến ý thức PLRTN.
Bác Hoàng Văn Tu (Phường Đúc, TP. Huế), là người phụ hồ, đổ bê tông hằng ngày phải đi làm từ sáng sớm đến chiều. Về nhà chỉ muốn được nghỉ ngơi nên chưa có thời gian tìm hiểu cũng như phân loại rác đàng hoàng. Những gì mà bác Tu có thể làm được là gom rác vào một bao lớn rồi chờ công nhân môi trường TP. Huế đến thu gom.
Anh Lê Tín (phường An Đông, TP. Huế) chia sẻ, nhà anh ít người, rác thải sinh hoạt mỗi ngày không nhiều. Nếu phân loại rồi, công nhân thu rác cũng chất lên một đống thôi. Nếu phân loại như chai nhựa, vỏ lon bia... chỉ bán được vài đồng nên mất công và bỏ qua.
Nhiều người sống ở khu vực nhà anh Tín khi trao đổi chuyện về việc thu gom, phân loại rác nêu quan điểm, hàng tháng đã đóng tiền phí thu gom rác, giờ lại bắt phân loại rất phiền hà, mất thời gian.
Một người thân của tôi sống cạnh khu chung cư Hương Sơ (TP. Huế) chia sẻ, những hộ gia đình sống tại các chung cư, tuy đã thực hiện việc phân loại rác nhưng vứt ở đâu lại là vấn đề nan giải. Thực phẩm dư thừa, như cơm nguội, rau quả... là rác thải sinh hoạt không biết xử lý như thế nào. Để ở đâu, cho ai? Ở quê, người ta còn nuôi gà, nuôi lợn nên những đồ ăn thừa đó còn sử dụng được. Với người dân ở chung cư thì chỉ biết dồn lại và cho tất cả vào thùng rác...
Mới đây, nghe tin TP. Huế triển khai chương trình PLRTN nhiều gia đình bắt đầu thay đổi nếp nghĩ về rác thải. Nơi khu phố chúng tôi, nhiều người vui vẻ khi trao đổi với cán bộ nhân viên thu gom rác vào mỗi chiều: "Cứ làm rồi hẵng quen"; "Nếu thành phố phát động duy trì phân loại rác thì quá tốt"...
Chị Nguyễn Thị Sa (P. An Đông, TP. Huế) chia sẻ, trước đây nhà chị chưa biết đến cách PLRTN, các loại rác trong nhà đều được bỏ dồn vào một bao lớn. Cuối ngày, mùi hôi thối bốc ra từ trong góc nhà rất khó chịu. Sau khi TP. Huế triển khai phân loại rác, gia đình được cán bộ hội, đoàn đến tư vấn nên đã hiểu, phân tách, tận dụng những loại rác nhựa, giấy loại... mang đến tập trung tại các "Ngôi nhà xanh" ở địa phương.
Nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn
Ông Trần Trung Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) thông tin, đơn vị đang phối hợp với UBND TP. Huế triển khai chương trình PLRTN trên địa bàn thông qua Dự án (DA) “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) hỗ trợ. Đến thời điểm này, trên địa bàn TP. Huế đã lắp đặt 468 thùng phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại 156 điểm công cộng ở 23 phường, xã. 13 xã, phường còn lại của thành phố sẽ được tiếp tục triển khai, hoàn thành trong năm 2023.
Theo đó, CTRSH được các hộ gia đình phân loại thành 3 nhóm chính, bao gồm: nhóm chất thải nguy hại; nhóm chất thải tái chế, tái sử dụng (rác thủy tinh và các loại rác tái chế còn lại) và nhóm chất thải còn lại. Đối với nhóm chất thải nguy hại và nhóm chất thải tái chế, tái sử dụng, các hộ gia đình mang đến các điểm lưu chứa CTRSH được phân loại ở 156 vị trí lắp đặt trên địa bàn và bỏ vào các thùng theo quy định.
Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Giám đốc DA "Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" chia sẻ, đối với TP. Huế, CTRSH được phân loại tại nguồn thành 3 nhóm và được thu gom, vận chuyển theo quy trình riêng. Cụ thể, nhóm tái chế, tái sử dụng được HEPCO thu gom với tần suất 1 tuần/lần tại các vị trí đã lắp đặt thùng phân loại rác trên địa bàn để phối hợp tái chế lại thành các sản phẩm có ích, bán ra thị trường tạo quỹ cho hoạt động cộng đồng. Riêng nhóm chất thải nguy hại (pin, ắc quy, bóng đèn huỳnh quang, thiết bị điện tử hỏng… được HEPCO thu gom riêng với tần suất 6 tháng/lần; nhóm các chất hữu cơ và chất thải còn lại được thu gom với tần suất và lộ trình hiện tại.
Theo bà Vân, chương trình phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn TP. Huế đang triển khai song song vừa đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức việc thu gom phân loại CTRSH tại nguồn, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất như thùng lưu chứa rác, điểm tập kết, xe thu gom đến từng khu phố, xã, phường... được HEPCO đáp ứng yêu cầu.
Sau khi TP. Huế chính thức phát động phân loại CTRSH tại nguồn, DA đã đồng hành và hỗ trợ UBND 6 phường, xã trên địa bàn TP. Huế gồm: Tây Lộc, Thuận Lộc, Thuận Hòa, Đông Ba, Hải Dương và Thuận An tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến từng khu phố, hộ dân. Các hình thức tuyên truyền bao gồm tập huấn, họp dân, về vai trò phân loại CTRSH tại nguồn, tác hại của rác thải nhựa đối với sức khỏe, giới thiệu phương pháp thay thế giảm nhựa, các hoạt động về nâng cao kỹ năng truyền thông phân loại, hành động giảm thiểu rác nhựa trong cộng đồng.
Để công tác phân loại CTRSH tại nguồn hiệu quả, bền vững, UBND TP. Huế và UBND các phường, xã với sự hỗ trợ của DA đã thành lập Ban chỉ đạo phân loại CTRSH tại nguồn ở cấp thành phố, phường, các tổ giám sát cộng đồng ở các địa phương để theo dõi sát sao việc thực hiện PLRTN tại các điểm thu gom công cộng, thu gom bằng xe đẩy tay. Bên cạnh đó, việc phân loại CTRSH tại nguồn còn có sự vào cuộc của cộng đồng, cán bộ làm công tác thu gom của HEPCO, nhờ đó từng bước tập cho người dân thói quen phân loại đúng cách.
Bài, ảnh: Song Minh