ASEAN và Trung Quốc là đối tác thân thiết của nhau, cùng nhau hợp tác cùng có lợi. Ảnh minh họa: congthuong.vn/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Được biết, Trung Quốc và ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau vào năm 2020.

Thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đạt 544,9 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2022, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đầu tư 2 chiều lũy kế vượt 340 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Campuchia kiêm phát ngôn viên Campuchia Penn Sovicheat trả lời phóng viên báo Tân Hoa Xã trong một cuộc phỏng vấn rằng, hợp tác kinh tế Trung Quốc – ASEAN phát triển rất chặt chẽ là nhờ Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN (CAFTA).

Ông cho biết: “Trung Quốc là một đối tác rất thân thiết của ASEAN và là một thị trường lớn”.

CAFTA đã tạo ra một thị trường khổng lồ với tổng dân số hơn 2 tỷ người và đã loại bỏ hầu hết các loại thuế quan giữa 2 bên. Tất cả các nước đều có lợi từ thị trường Trung Quốc, bởi nước này có sức mua mạnh mẽ.

Được biết, Trung Quốc là nhà cung cấp nguyên liệu chính cho các nhà máy trên toàn thế giới, đồng thời nếu không có nguyên liệu từ Trung Quốc, có khả năng các nhà máy sẽ gặp khó khăn trong sản xuất.

Trong một ý kiến có liên quan, Thong Mengdavid, một nhà nghiên cứu Viện Tầm nhìn châu Á có trụ sở tại Phnom Penh nhận định, hợp tác kinh tế Trung Quốc – ASEAN đang mạnh mẽ lên trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng.

“Có nhiều lý do góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và ASEAN, trong đó bao gồm sự ủng hộ lẫn nhau giữa Trung Quốc và ASEAN trong kỷ nguyên đại dịch COVID-19, thực hiện nghiêm chỉnh tôn chỉ tôn trọng các bên cùng có lợi, thúc đẩy vững chắc các chương trình nghị sự tự do hóa thương mại và đầu tư với tư cách là CAFTA, Hiệp đinh Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hợp tác Mekong – Lan Thương”, nhà nghiên cứu Thong Mengdavid cho biết.

Joseph Matthews, giáo sư cấp cao tại Đại học Quốc tế BELTEI ở Phnom Penh cho biết, Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong hơn một thập kỷ. Do đó, tương lai kinh tế ASEAN được kết nối với triển vọng và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Quan hệ Trung Quốc – ASEAN đã mang lại sự phát triển về kinh tế, xã hội, công nghệ và cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Các sáng kiến của Trung Quốc về phát triển toàn cầu, kết nối và xóa đói giảm nghèo... đã góp phần trực tiếp vào tiến trình phát triển kinh tế xã hội và cải thiện sinh kế của người dân ở ASEAN. Cũng theo giáo sư, cả Trung Quốc và ASEAN đều có chung sự phát triển, thúc đẩy hợp tác đôi bên cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, chủ nghĩa đa phương, sự cởi mở và sự toàn diện, cũng như giá trị chung của hòa bình và ổn định.

Hợp tác kinh tế chặt chẽ giữa Trung Quốc và ASEAN không chỉ mang lại hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và toàn diện, cũng như thịnh vượng cho cả đôi bên, mà còn cho cả khu vực và thế giới.

Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)