Các tấm pin năng lượng mặt trời tại một nhà máy điện mặt trời ở tỉnh Ninh Thuận. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, nghiên cứu mới của Tổ chức tư vấn năng lượng Ember đã thực hiện so sánh dữ liệu từ 6 tháng đầu năm nay và thời điểm bắt đầu của cuộc khủng hoảng năng lượng quốc tế. Trong đó, các phân tích chỉ ra, nhu cầu điện toàn cầu đã tăng 389 terawatt giờ trong nửa đầu năm 2022, trong khi tổng các nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời và thủy điện ghi nhận mức tăng 416 terawatt giờ.

Theo Ember, điều này đã giúp ngăn chặn khả năng xuất hiện mức tăng 4% về sản lượng điện từ các loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm, đồng thời tránh được 40 tỷ USD chi phí nhiên liệu, cũng như 230 triệu tấn CO2 phát thải.

Ông Dave Jones, người đứng đầu chương trình toàn cầu của Ember cho biết: “Chúng ta đang tiến gần hơn đến điểm tới hạn, khi mà năng lượng tái tạo có thể đáp ứng sự gia tăng của nhu cầu điện toàn cầu, trong bối cảnh thế giới tiến đến mức độ điện khí hóa cao hơn".

Tuy nhiên, báo cáo của Ember cũng ghi nhận sản lượng điện từ than và khí đốt tăng lên trong tháng 7 và tháng 8 năm nay, những tháng chứng kiến​​ sự gia tăng đột biến về việc sử dụng năng lượng, khi các đợt sóng nhiệt quét qua những khu vực rộng lớn trên thế giới.

Trong một nhận định liên quan, bà Malgorzata Wiatros-Motyka, nhà phân tích cấp cao tại Ember cho rằng: “Lượng khí thải của ngành điện toàn cầu vẫn đang đẩy lên mức cao nhất mọi thời đại, trong khi chúng cần phải được cắt giảm nhanh chóng”. Được biết, các nguồn năng lượng tái tạo được đánh giá là có vai trò rất quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu, nhằm chống lại vấn đề biến đổi khí hậu.

Thanh Ngân (Lược dịch từ AFP)