Nhiều bạn trẻ chọn sử dụng các sản phẩm thay thế đồ dùng nhựa

Nói không với đồ nhựa sử dụng một lần

Một ngày, khi đang sử dụng mạng xã hội, sinh viên Phạm Thị Thu Hằng (Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế) nhìn thấy đoạn video nhóm bạn cứu được một con rùa biển và phát hiện ra có ống hút nhựa mắc kẹt trong mũi chú rùa này. Những biểu cảm đau đớn của chú rùa khi nhóm bạn cố kéo chiếc ống hút nhựa ra khỏi mũi chú khiến Thu Hằng xót xa. Tiếp đó, những hình ảnh về các loài sinh vật bị ảnh hưởng, làm hại bởi rác thải nhựa liên tiếp hiện lên trên màn hình của cô nữ sinh trẻ. Nhận thấy những tác hại của rác thải nhựa đối với các loài động vật, Thu Hằng quyết định tìm hiểu về trào lưu less plastic để bảo vệ môi trường.

Trào lưu less plastic là trào lưu kêu gọi cộng đồng hạn chế sử dụng những vật dụng từ chất liệu nhựa, thay vào đó là những vật liệu thay thế khác, an toàn cho sức khỏe con người và thân thiện với môi trường. Trào lưu này ngày càng được giới trẻ đón nhận dưới nhiều hình thức, như sử dụng túi vải thay cho túi nilon, sử dụng ống hút tre, ống hút gạo thay thế cho ống hút nhựa, sử dụng chai thủy tinh, ly inox thay cho ly nhựa…

Là một “tín đồ” của trà sữa, trước đây Thu Hằng có thói quen sử dụng ly, ống hút, muỗng nhựa từ các tiệm trà sữa. “Sau khi xem được đoạn video về chú rùa biển, mình đã tìm hiểu về trào lưu less plastic. Bây giờ mình đã sử dụng những chai thủy tinh, ly inox, ống hút inox cá nhân để tiết giảm chất thải nhựa. Bên cạnh đó, mình còn sử dụng túi vải thay vì bao bì nylon. Mình thấy chiếc túi vải không chỉ tiện dụng mà còn rất cá tính, phong cách. Chỉ cần gấp gọn một chiếc túi vải vào rồi bất kể đi đâu, mua gì bạn cũng có thể đựng trong đó mà không cần sử dụng bao nilon. Chỉ cần giặt sạch sẽ là bạn có thể dùng đi, dùng lại cho đến khi rách thì thôi. Lắm lúc đi chợ, mình còn được các cô, các dì hỏi chỗ mua túi vải cho tiện dùng”, Thu Hằng chia sẻ.

Tương tự Thu Hằng, Huỳnh Quốc Huy, học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học từ lâu đã biết đến trào lưu less plastic. Huy cho biết, trước đây, dù biết hộp xôi làm bằng xốp hay nhựa chẳng tốt cho sức khỏe tẹo nào vì có khả năng làm cho cơ thể tiếp nhận thêm hạt vi nhựa, nhưng đôi khi vì trường hợp bất khả kháng nên em đành phải sử dụng. “Sau đó, em nghe bạn bè truyền tai nhau về trào lưu less plastic, vừa bảo vệ môi trường và cũng là bảo vệ bản thân mình nên em đã tìm hiểu thêm về trào lưu này. Ngoài việc sử dụng túi vải, ống hút làm từ vật liệu thân thiện với môi trường,… em phát hiện ra có những loại hộp cơm làm từ bã mía rất tiện dụng và có thể đặt hàng trên các ứng dụng mua sắm trực tuyến. Từ đó, mỗi lúc cần mang đồ ăn đến trường ăn sáng hoặc ăn ở các lớp học thêm, em đều sử dụng loại hộp cơm này, vừa tiện lợi nhưng cũng rất thân thiện với môi trường vì bã mía là vật liệu dễ phân hủy”, Huy cười nói.

Lan tỏa less plastic để bảo vệ môi trường

Không chỉ Thu Hằng, Quốc Huy, giờ đây chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những bạn học sinh, sinh viên mua sắm cho mình những chiếc bình đựng nước inox tại siêu thị hay các cửa hàng đồ gia dụng. Những sản phẩm ống hút, bao nilon thân thiện với môi trường cũng được nhiều bạn trẻ lựa chọn sử dụng. Có thể thấy, trào lưu less plastic ngày càng được lan rộng trong giới trẻ.

Khi thực hiện less plastic, mỗi người phải nghiêm khắc với bản thân và phải tranh đấu để tạm biệt những thói quen dễ dãi. “Lúc đầu rất khó vì cô nàng toàn lỡ dùng đồ nhựa. Thoắt cái đã ném vào thùng rác ống hút, nắp nhựa, túi nilon... Nhưng lâu dần thành quen, khi mình thấy mình ít sử dụng bao nilon, ống hút, hộp xốp hơn thì mình cảm thấy rất vui”, Thu Hằng chia sẻ. Cô còn “rủ rê” bạn bè cùng tìm hiểu theo trào lưu less plastic để cùng nhau chia sẻ niềm vui bảo vệ môi trường.

“Mình nghĩ, chúng ta hoàn toàn có thể bảo vệ môi trường thông qua việc thay đổi thói quen sử dụng những sản phẩm từ nhựa khó phân hủy mỗi ngày. Hành động giảm thiểu rác nhựa, dù ở cấp cá nhân, cũng rất có ý nghĩa và có lợi ích lâu dài cho cuộc sống và môi trường”, Thu Hằng bộc bạch.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH