Nhiều hoạt động ở sân bay Canada được số hóa giúp khách hàng thuận tiện làm các thủ tục

Số người phục vụ tại các sân bay, khách sạn, nhà hàng đều được thay thế bởi những máy móc thông qua việc tự động hóa và đặc biệt là “công nghệ số hóa” tại chỗ. Những chú robot ngộ nghĩnh, đáng yêu đã “nhanh nhẹn” chạy đến tận nơi đưa thực đơn cho khách xem và phục vụ ngay chính món ăn khi chúng ta đặt lệnh “order” món đó trên màn hình cảm ứng. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có nên dùng công nghệ 4.0 thay thế tất cả các ngành kinh doanh hay không khi cọ xát với thực tế?

Là người làm du lịch và giảng dạy du lịch hơn 30 năm, đến nay tôi mới cảm nhận sự thay đổi chóng mặt của việc chuyển đổi số trong ngành dịch vụ du lịch… Nên chăng, việc giảng dạy ở các trường đại học cần phải nhanh chóng thay đổi để phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, nhất là ngành dịch vụ du lịch. Từ khâu đón tiếp check-in tại sân bay đến khách sạn, nhà hàng mỗi cá nhân chúng ta đều phải tự nhập dữ liệu của mình trên các thiết bị máy móc có sẵn nơi đón tiếp… từ việc check hành lý, lấy “boarding pass” lên máy bay đều tự động hóa trước khi vào cửa “Security” để vào phòng chờ lên máy bay. Mọi thứ thật chỉnh chu, an toàn, chính xác và nhanh chóng…

Nên chăng, ngành dịch vụ du lịch không quá lệ thuộc vào máy móc mà thay vào đó con người vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc phục vụ giữa con người với con người, vì đây là ngành thể hiện “chữ tình” rất cao quý và đáng trân trọng khi xã hội ngày càng số hóa trên mọi phương diện. Máy móc làm tốt vai trò của nó là hỗ trợ các công đoạn thủ công trong ngành chế biến chứ không nên thay thế toàn bộ quy trình làm việc trong ngành du lịch. Chẳng hạn như Guide Book (cuốn sách hướng dẫn du lịch) hay việc khách du lịch tra cứu mọi thông tin trên Google sẽ giúp họ biết thông tin về điểm đến mà họ muốn đến… Còn việc đón tiếp hay phục vụ thì hãy để người dân tại nước đó cung cấp kèm những dịch vụ mà họ yêu cầu, lúc đó ngành du lịch mới đóng góp hết cái “hay và độc đáo”của nó. Con người cần có giao tiếp với nhau mới hiểu được nhau và mới tạo được mối quan hệ chặt chẽ và bền vững.

Nhìn lại đội ngũ hướng dẫn viên du lịch ở Huế hết lòng truyền tải cái đẹp, cái hay của Huế đã làm cho du lịch Huế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19… Trong khi ở Canada, tại các điểm tham quan, khách du lịch đều được trang bị “một thiết bị nghe” khi đến tham quan điểm đó. Thông tin được cung cấp đầy đủ, chính xác nhưng “cảm giác rất trống trải” vì không thấy bóng dáng một hướng dẫn viên nào cả… Thắc mắc điều gì muốn hỏi cũng không hỏi được. Máy móc làm sao thay được con người trong hoàn cảnh này? Đó là điều bất lợi khi chúng ta số hóa tất cả tại các điểm tham quan chỉ vì chúng ta muốn hội nhập với thế giới.

Nói tóm lại, hãy để ngành du lịch sống theo cách của nó chứ đừng lạm dụng quá nhiều công nghệ để thay thế con người đang làm trong ngành này.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Ngọc Cẩm