Dự giờ là hỗ trợ giáo viên, tạo cơ hội cho họ nâng cao kỹ năng đổi mới sư phạm. Ảnh: MC

Hẹn làm việc với cô hiệu trưởng ở một trường THCS trung tâm TP. Huế, tôi nhận được lời mời dễ thương. Sáng mai chị có tiết dự giờ hay em về dự luôn cho biết, nhưng đừng chụp ảnh, chị không muốn giáo viên bị áp lực. Tôi khựng lại trong chốc lát, bởi dự giờ lâu nay vẫn được hiểu, giáo viên, học sinh đều gồng mình để diễn... nên việc cho người ngoại đạo như tôi tham dự quả là điều ngạc nhiên.

Tôi thực sự bất ngờ khi tiết dự giờ hoàn toàn đổi mới. Cô giáo trẻ mới ra trường được 5 năm chủ nhiệm lớp 8 lên lớp với phong thái tự tin. Có sự vấp váp của giáo viên, có sự lắc đầu khi học sinh không trả lời được... nhưng không ai có cảm giác khó chịu khi giờ dạy chưa tròn trịa. Cô hiệu trưởng nói nhỏ với tôi, mục đích dự giờ là hỗ trợ giáo viên, tạo cơ hội cho họ nâng cao kỹ năng đổi mới sư phạm, thông qua dự giờ sẽ trao đổi, chia sẻ nên không cần phải hoàn hảo.

Không thể phủ nhận sự rập khuôn trong dự giờ diễn ra nhiều năm qua. Dự giờ cơ bản được xây dựng sẵn với mục đích làm mẫu, giáo viên, học sinh đã tập dượt trước khi vào tiết dự giờ thật. Nghĩa là, giáo viên và học sinh đều phải “diễn” để làm sao có một tiết học hoàn hảo. Thông thường, người dự nhận xét nhiều về cách kiểm tra bài cũ, cách vào bài như thế nào, trình bày bảng ra sao, cách diễn đạt của giáo viên, nội dung bài học, phương pháp sư phạm, nhưng ý kiến góp ý hầu như không tìm ra một kinh nghiệm thỏa mãn để cải tiến bài học. Thế nên, người dạy mệt, người học mệt, đến người dự cũng thấy mệt, do phải tìm “sơ hở” trong tiết dạy của đồng nghiệp mà góp ý. Kết quả, sinh hoạt chuyên môn truyền thống, với mục đích đánh giá, xếp loại giờ dạy và thống nhất quy trình dạy học theo dạng bài thường mang lại kết quả không như mong đợi.

Thông tư 12 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, các loại hồ sơ, sổ sách đối với giáo viên, gồm: giáo án (bài soạn); sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp; sổ điểm cá nhân; sổ chủ nhiệm  (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp). Còn Thông tư 32, hệ thống hồ sơ, sổ sách về hoạt động giáo dục, khiến nhiều giáo viên như trút được gánh nặng khi từ nay có thể thoát cảnh phải dự giờ, thăm lớp.

Nhận định của cô Mai Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương, quy định này như một sự “cởi trói” cho GV về “gánh nặng” hồ sơ sổ sách. Giáo viên chỉ còn 3 loại hồ sơ, sổ sách là: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); kế hoạch bài dạy (giáo án); sổ theo dõi và đánh giá học sinh. Riêng giáo viên chủ nhiệm có thêm sổ chủ nhiệm. Điều chỉnh này rất phù hợp và tạo thuận lợi cho giáo viên. Việc không bắt buộc giáo viên dự giờ, nhưng dự giờ học của học sinh do mình chủ nhiệm, theo cô Thúy là quy định mở, giúp giáo viên chủ nhiệm đánh giá học sinh toàn diện hơn; đúng với hướng kiểm tra, đánh giá hiện nay: Đánh giá quá trình.

Nhiều giáo viên cũng đồng tình với quy định này và cho rằng sẽ tốt cho giáo viên bộ môn. Họ chỉ cần đi dự các giờ mà giáo viên  thấy cần, dự người mà họ thấy hay, cần học hỏi, chứ không cần phải hình thức mỗi tuần một lần dự như trước đây. Họ sẽ có thêm thời gian tập trung cho chuyên môn. Việc dự giờ cũng cần phải linh hoạt, sao cho phù hợp, hài hòa trên tinh thần hỗ trợ đồng nghiệp nâng cao tay nghề chuyên môn; không tạo áp lực cho giáo viên, học sinh. Chỉ khi đó, việc dạy và học mới thật sự hiệu quả, đem lại kết quả như mong muốn.

An Nhiên