ClockThứ Tư, 12/10/2022 06:44

Giáo viên có còn dự giờ

TTH - Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về điều lệ trường THCS, THPT được thực hiện trong 2 năm qua, trong đó, giáo viên không còn phải dự giờ nữa. Thực tế tại các trường phổ thông, việc dự giờ, thăm lớp vẫn được duy trì, song không nặng nề hay phải "diễn" như trước.

Sách giáo khoa mới vẫn còn hạn chếNăm học 2022 - 2023: Bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lậpHội Khuyến học xã Phú Thuận biểu dương, khen thưởng hơn 140 học sinh

Dự giờ là hỗ trợ giáo viên, tạo cơ hội cho họ nâng cao kỹ năng đổi mới sư phạm. Ảnh: MC

Hẹn làm việc với cô hiệu trưởng ở một trường THCS trung tâm TP. Huế, tôi nhận được lời mời dễ thương. Sáng mai chị có tiết dự giờ hay em về dự luôn cho biết, nhưng đừng chụp ảnh, chị không muốn giáo viên bị áp lực. Tôi khựng lại trong chốc lát, bởi dự giờ lâu nay vẫn được hiểu, giáo viên, học sinh đều gồng mình để diễn... nên việc cho người ngoại đạo như tôi tham dự quả là điều ngạc nhiên.

Tôi thực sự bất ngờ khi tiết dự giờ hoàn toàn đổi mới. Cô giáo trẻ mới ra trường được 5 năm chủ nhiệm lớp 8 lên lớp với phong thái tự tin. Có sự vấp váp của giáo viên, có sự lắc đầu khi học sinh không trả lời được... nhưng không ai có cảm giác khó chịu khi giờ dạy chưa tròn trịa. Cô hiệu trưởng nói nhỏ với tôi, mục đích dự giờ là hỗ trợ giáo viên, tạo cơ hội cho họ nâng cao kỹ năng đổi mới sư phạm, thông qua dự giờ sẽ trao đổi, chia sẻ nên không cần phải hoàn hảo.

Không thể phủ nhận sự rập khuôn trong dự giờ diễn ra nhiều năm qua. Dự giờ cơ bản được xây dựng sẵn với mục đích làm mẫu, giáo viên, học sinh đã tập dượt trước khi vào tiết dự giờ thật. Nghĩa là, giáo viên và học sinh đều phải “diễn” để làm sao có một tiết học hoàn hảo. Thông thường, người dự nhận xét nhiều về cách kiểm tra bài cũ, cách vào bài như thế nào, trình bày bảng ra sao, cách diễn đạt của giáo viên, nội dung bài học, phương pháp sư phạm, nhưng ý kiến góp ý hầu như không tìm ra một kinh nghiệm thỏa mãn để cải tiến bài học. Thế nên, người dạy mệt, người học mệt, đến người dự cũng thấy mệt, do phải tìm “sơ hở” trong tiết dạy của đồng nghiệp mà góp ý. Kết quả, sinh hoạt chuyên môn truyền thống, với mục đích đánh giá, xếp loại giờ dạy và thống nhất quy trình dạy học theo dạng bài thường mang lại kết quả không như mong đợi.

Thông tư 12 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, các loại hồ sơ, sổ sách đối với giáo viên, gồm: giáo án (bài soạn); sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp; sổ điểm cá nhân; sổ chủ nhiệm  (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp). Còn Thông tư 32, hệ thống hồ sơ, sổ sách về hoạt động giáo dục, khiến nhiều giáo viên như trút được gánh nặng khi từ nay có thể thoát cảnh phải dự giờ, thăm lớp.

Nhận định của cô Mai Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương, quy định này như một sự “cởi trói” cho GV về “gánh nặng” hồ sơ sổ sách. Giáo viên chỉ còn 3 loại hồ sơ, sổ sách là: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); kế hoạch bài dạy (giáo án); sổ theo dõi và đánh giá học sinh. Riêng giáo viên chủ nhiệm có thêm sổ chủ nhiệm. Điều chỉnh này rất phù hợp và tạo thuận lợi cho giáo viên. Việc không bắt buộc giáo viên dự giờ, nhưng dự giờ học của học sinh do mình chủ nhiệm, theo cô Thúy là quy định mở, giúp giáo viên chủ nhiệm đánh giá học sinh toàn diện hơn; đúng với hướng kiểm tra, đánh giá hiện nay: Đánh giá quá trình.

Nhiều giáo viên cũng đồng tình với quy định này và cho rằng sẽ tốt cho giáo viên bộ môn. Họ chỉ cần đi dự các giờ mà giáo viên  thấy cần, dự người mà họ thấy hay, cần học hỏi, chứ không cần phải hình thức mỗi tuần một lần dự như trước đây. Họ sẽ có thêm thời gian tập trung cho chuyên môn. Việc dự giờ cũng cần phải linh hoạt, sao cho phù hợp, hài hòa trên tinh thần hỗ trợ đồng nghiệp nâng cao tay nghề chuyên môn; không tạo áp lực cho giáo viên, học sinh. Chỉ khi đó, việc dạy và học mới thật sự hiệu quả, đem lại kết quả như mong muốn.

An Nhiên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác

Trường THPT Thừa Lưu đóng trên địa bàn thôn Phước Lộc, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, cách thành phố Huế 60km về phía nam, là nơi theo học của học sinh các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Trong chuyến công tác tại Trường, tôi có những ấn tượng đặc biệt đối với ngôi trường này.

Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác
Chuyện về những giáo viên không cầm phấn

Thật ngạc nhiên và cảm động khi chứng kiến một lớp học không cần bảng đen, những giáo viên dạy trẻ khiếm thị chỉ bằng tiếng gõ lạch cạch, cái sờ tay và bằng cả trái tim yêu thương.

Chuyện về những giáo viên không cầm phấn
Return to top