Nói như dịch giả Bửu Ý, một trong những cái lạ đời nhất ở Lê Thành Nhơn, đó là ông sinh ra, lớn lên ở miền Nam, được vinh danh anh hùng ở Úc, nhưng lại yêu Huế đến thế. Yêu đến mức, cuối đời, ông đã chọn để gửi gắm, phó thác đứa con tinh thần-tác phẩm cuối cùng của mình cho Huế-nơi ông gọi là “mảnh đất thiêng của nghệ thuật”.

Không riêng Lê Thành Nhơn, miền đất thiêng sông Huơng, núi Ngự đã có một sức hút kỳ lạ về văn hóa. Nên một người như họa sư Lê Bá Đảng, sinh ra, lớn lên ở Quảng Trị, thành danh trên đất Pháp nhưng cuối đời, cánh buồm ấy lại tìm thấy một bến đỗ là Huế. Và trước ông, điêu khắc gia Điềm Phùng Thị, với một sự nghiệp nghệ thuật lẫy lừng trên đất Pháp làm nở mày, nở mặt nữ giới châu Á, cũng đã về, tựa mình bên dòng Hương.

Nghe nói, sau này, tượng “Cô gái Việt Nam” sẽ được đặt ở công viên đối diện Trường Hai Bà Trưng. Lúc đó, con đường Lê Lợi hiền hòa của Huế sẽ càng sâu hun hút về mặt văn hóa, bởi nơi đây, hậu thế muôn đời sẽ được ngắm nhìn ba tác phẩm điêu khắc để đời của Lê Thành Nhơn.
Chuyện kể, Claude Lévie Strauss, trong một lần trả lời phỏng vấn truyền hình Pháp, rằng giả sử thảm họa thiên tai thiêu rụi địa cầu, ông suy nghĩ gì? Nhà lý luận nổi tiếng thế giới ấy trả lời: Giả như điều đó xẩy ra, mất mát duy nhất không thể thay thế được là những tác phẩm nghệ thuật…Điều đó cho thấy, những gì mà các bậc họa sĩ, điêu khắc gia tài danh đã yêu mến trao tặng cho mảnh đất thiêng Huế là vô giá và không phải dễ có, dù chỉ là mơ ước…
Kim Oanh