Người dân tại thành phố Karachi, Pakistan bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mưa lũ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Đáng chú ý, tổng mức tài trợ trong năm 2021 của các ngân hàng này đã vượt qua mục tiêu tài chính khí hậu năm 2025. Đây là mục tiêu đã được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về hành động vì khí hậu của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ) hồi năm 2019.

Theo đó, các ngân hàng phát triển đa phương đã cung cấp khoảng 51 tỷ USD về tài chính khí hậu cho các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình. Trong tổng số này, hơn 33 tỷ USD (tương đương 65%) dành cho các hành động giảm thiểu biến đổi khí hậu và hơn 17 tỷ USD (tương đương 35%) dành cho những nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Lượng vốn tư nhân huy động được ở mức 13 tỷ USD.

Ngoài ra, các ngân hàng phát triển đa phương cũng đã cung cấp khoảng 31 tỷ USD về tài chính khí hậu cho các nền kinh tế có thu nhập cao; trong đó, 29 tỷ USD (tương đương 95%) dành cho các hành động giảm thiểu biến đổi khí hậu, và 1,6 tỷ USD (tương đương 5%) dành cho các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Lượng vốn tư nhân huy động được là 28 tỷ USD.

Trong một nhận định liên quan, ông Warren Evans, Đặc phái viên về khí hậu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lưu ý: “Những mức độ cam kết về khí hậu ngày càng tăng từ ADB và các tổ chức đối tác nhấn mạnh sự quan trọng của biến đổi khí hậu, như một vấn đề toàn cầu”.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với mức độ lũ lụt lịch sử ở Pakistan hay những trận lốc xoáy ở Thái Bình Dương…, khu vực này nhận thức rõ về tác động hiện hữu của vấn đề biến đổi khí hậu. “Điều quan trọng là chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô tài trợ này dành cho cả những nỗ lực giảm nhẹ và thích ứng, nhằm bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân trong khu vực”, ông Warren Evans cho biết thêm.

Được biết, báo cáo chung nói trên là sự hợp tác thường niên nhằm công khai số liệu tài chính khí hậu của các ngân hàng phát triển đa phương, cùng với sự giải thích rõ ràng về phương pháp để theo dõi nguồn tài chính này. Báo cáo do Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) điều phối, kết hợp dữ liệu từ Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), cùng với một số ngân hàng phát triển đa phương khác.

Lê Thảo (Lược dịch từ Adb.org)