Thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành loại hình kinh doanh phổ biến trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay. Theo đó, việc mua sắm trực tuyến đã trở nên quen thuộc với một bộ phận người dân, nhất là đối với lớp trẻ; từ quần áo thời trang, mỹ phẩm đến ly trà sữa… chỉ cần thao tác qua điện thoại là có người đưa đến tận nơi.

Sự tiện ích này đã đưa TMĐT ở Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và tăng trưởng mạnh mẽ. Theo thống kê của Bộ Công thương, doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Dự kiến doanh thu này sẽ tiếp tục đạt 39 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, hoạt động TMĐT hiện nay vẫn bộc lộ nhiều bất cập; trong đó, nổi lên là là tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng bị trà trộn và khó quản lý về thuế.

Do nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế, lại nhận diện mặt hàng trên điện thoại theo kiểu “mua trâu vẽ bóng”, khi nhận hàng cũng kiểm tra qua loa, nên TMĐT dễ trở thành kẽ hở cho hàng giả, hàng nhái trót lọt. Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, mỗi năm có khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến xoay quanh vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ. Trong thực tế, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh TMĐT sử dụng hàng giả, hàng nhái để bán cho khách; điển hình như cơ sở kinh doanh của Shop Ngọc Thảo tại Thanh Hóa với hơn 12.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhiều nhãn hiệu nổi tiếng, được ngành chức năng phát hiện hồi tháng tư vừa qua...

Bên cạnh đó, thất thu thuế từ hoạt động TMĐT cũng là điều đáng quan tâm. Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, số thuế đối với các tổ chức, cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 356 tỷ đồng; con số này so với doanh số thị trường TMĐT bình quân mỗi năm khoảng 13,7 tỷ USD (tương đương gần 325.000 tỷ đồng) thì số thuế đã thu vẫn rất thấp.

Vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Tại Thừa Thiên Huế, cuối tuấn qua, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 10907 yêu cầu Cục Thuế tỉnh phối hợp cùng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Theo đó, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường phối hợp với cơ quan thuế các cấp trong công tác quản lý thu thuế và chống thất thu thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, các biện pháp khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử để tạo thói quen tiêu dùng văn minh…

Đây sẽ là một trong những biện pháp không chỉ hạn chế việc thất thu thuế mà còn nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng, nhất là việc sử dụng hóa đơn, sẽ góp phần kiềm chế hàng giả, hàng nhái, từng bước lành mạnh hóa thị trường TMĐT thời gian tới.

ĐẶNG THÀNH