Ứng dụng công nghệ thông tin để tham gia các cuộc thi

“Ứng dụng CNTT trong hoạt động hội” được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá trong công tác hội và phong trào phụ nữ Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong đó, tập trung sắp xếp, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách hội các cấp, vận hành theo cơ chế liên thông từ cấp tỉnh đến cơ sở thông qua phần mềm điện tử. Hướng đến sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản điều hành iOffice và phần mềm quản lý cán bộ, hội viên; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng sử dụng các trang mạng xã hội trong công tác tuyên truyền.

Quý 1/2022, Hội LHPN tỉnh tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến “Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI”. Sau 8 tuần tổ chức, có gần 44.000  lượt người dự thi.

Chị Huỳnh Thị Ngọc, TP. Huế chia sẻ: “Việc tổ chức thi theo hình thức trực tuyến là cách làm hay và sáng tạo. Tham gia cuộc thi, tôi thấy rất hữu ích khi được hiểu sâu hơn về những chủ trương, mục tiêu phát triển mọi mặt của các cấp hội được thể hiện trong các nghị quyết. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, tôi có thể trả lời các câu hỏi, tham gia thi nhiều lượt trong một tuần. Các câu hỏi được xây dựng ngắn gọn với những nội dung trả lời rất dễ ghi nhớ”.

Một điểm nổi bật trong việc ứng dụng CNTT của các cấp hội phụ nữ đó là việc sử dụng hiệu quả mạng xã hội (zalo, facebook) phục vụ nhiệm vụ công tác hội. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ năm 2020, các cấp hội phụ nữ đã sử dụng mạng xã hội để phục vụ công tác tuyên truyền, trao đổi thông tin. Hội phụ nữ các cấp còn phối hợp với các đơn vị trang bị cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về một số kiến thức kinh doanh trên nền tảng số, như: Xây dựng website, quảng cáo trực tuyến, livestream, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội…

Chị Lê Thị Hòa, hội viên hội phụ nữ xã Vinh Thanh (Phú Vang) cho biết: “Nhờ cán bộ, phụ nữ xã giới thiệu các lớp tập huấn khởi sự kinh doanh, tôi đã hiểu rõ hơn việc bán hàng qua mạng xã hội, hệ thống website… Từ đó, mặt hàng của gia đình tôi được nhiều người biết đến và phân phối nhiều nơi hơn”.

Không chỉ ứng dụng CNTT trong đổi mới hoạt động tuyên truyền, Hội LHPN tỉnh còn đầu tư xây dựng phòng họp trực tuyến thích ứng với tình hình dịch COVID-19. Sử dụng phòng họp trực tuyến không chỉ mở rộng số lượng và đối tượng được cung cấp thông tin, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại mà còn góp phần tích cực vào việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Hội LHPN các cấp.

Cũng từ mô hình phòng họp trực tuyến, đội ngũ cán bộ hội luôn tìm tòi những cách truyền đạt thông tin hiệu quả, sinh động. Đơn cử, việc báo cáo, thay vì cách làm truyền thống là trình bày văn bản được in phát thì nay hầu hết báo cáo đều không giấy tờ, được trình bày trên ứng dụng Powerpoint. Với phương pháp này, thông tin cô đọng, sinh động lại dễ tiếp cận.

Khi chưa có phần mềm, chúng tôi chép tay, theo dõi sổ của các chi hội rất vất vả, nếu chẳng may làm mất hoặc hỏng sổ sách thì tốn thời gian làm lại từ đầu, độ chính xác không cao. Từ khi sử dụng phần mềm quản lý cán bộ, hội viên tạo cho chúng tôi rất nhiều thuận lợi. Chỉ cần nhập đầy đủ dữ liệu, khi truy cập phần mềm nắm được tổng quan số liệu hội viên, chi hội cùng thông tin chi tiết của hội viên như: năm sinh, hộ khẩu, nghề nghiệp, đối tượng chính sách, quá trình tham gia… Từ đó, dễ dàng quản lý, tra cứu, trích xuất thông tin số liệu phục vụ công tác báo cáo thống kê, bà Hoàng Thị Loan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Đông cho hay.

Bài, ảnh: AN NHIÊN