Hội nghị thượng đỉnh COP27 sẽ diễn ra từ 6/11-18/11 tại Ai Cập. Ảnh: Reuters/NLD

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu được xem là một vấn đề toàn cầu hiện nay, 12 tháng qua đã đưa ra một lời nhắc nhở rõ ràng về tác động của con người đối với khí hậu, nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các đợt lũ lụt kinh hoàng nhất trong lịch sử ở Pakistan, hạn hán nghiêm trọng ở Trung Quốc, bão và áp thấp nhiệt đới ở quần đảo Thái Bình Dương và ở Philippines… đã ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người nghèo và dễ bị tổn thương ở khu vực này.

Thực tế, các kiểu hiện tượng thời tiết này sẽ gia tăng cường độ và tần suất do hậu quả của biến đổi khí hậu. Do đó, các kết quả của COP27 sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - nhất là với các cộng đồng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu ở châu Á - Thái Bình Dương, trong việc đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và UNFCCC, nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5ºC.

Kỳ vọng gì từ COP27?

Được biết, mục tiêu hàng đầu trong chương trình nghị sự của COP27 là cần phải hành động để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây đồng thời cũng là một ưu tiên ngày càng lớn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

“Chúng ta không thể tránh tất cả các tác động của biến đổi khí hậu, chúng đã và đang xảy ra, vì vậy chúng ta phải tập trung vào việc xây dựng khả năng phục hồi của các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất”, Đặc phái viên về khí hậu của ADB Warren Evans nhấn mạnh.

COP27 sẽ tập trung vào các giải pháp thích ứng mở rộng, đồng thời huy động và tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tài chính để thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng chung mục tiêu đó, ADB đã nâng tham vọng tài trợ cho các chương trình chống biến đổi khí hậu giai đoạn 2019-2030 từ 80 tỷ USD lên 100 tỷ USD, trong đó 34 tỷ USD được giành cho các kế hoạch thích ứng.

Các sáng kiến ​​chính của ADB cho COP27

ADB sẽ khởi động một số sáng kiến tại COP27, bao gồm Sáng kiến ​​về khả năng phục hồi nguồn nước ở châu Á - Thái Bình Dương, nhằm thúc đẩy việc quản lý phục hồi nguồn nước trong khu vực; cũng như sáng kiến thiết lập Trung tâm Tài chính Thái Bình Dương Xanh, nhằm khôi phục sức khỏe đại dương, xây dựng khả năng phục hồi các vùng ven biển và phát triển bền vững các nền kinh tế xanh.

Ngoài ra, ADB sẽ khởi động Nền tảng Hỗ trợ Chuyển đổi để vừa giúp tăng cường vừa nhằm đảm bảo lợi ích của việc chuyển đổi sang các nền kinh tế carbon thấp, có khả năng phục hồi được chia sẻ một cách bình đẳng, và không để cá nhân, cộng đồng hoặc khu vực nào bị bỏ lại phía sau.

Các cách tiếp cận mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Đồng thời, Quỹ tài chính đổi mới về khí hậu ở châu Á - Thái Bình Dương (IFCAP) cũng đang được thí điểm, trong đó sẽ sử dụng các khoản bảo lãnh và tài trợ đóng góp từ các quốc gia tài trợ và các tổ chức từ thiện để tận dụng đòn bẩy tạo lợi nhuận 4 USD cho mỗi 1 USD vốn gốc. IFCAP sẽ được triển khai vào năm tới để giúp cung cấp vốn đầu tư cần thiết cho cả việc thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

TỐ QUYÊN

 (Lược dịch từ ADB)