Hoạt động thể dục thể thao, các câu lạc bộ... giúp học sinh có sân chơi lành mạnh và gắn kết với nhau hơn. Ảnh: MC
Hai câu chuyện
Dưới đây là lời chia sẻ của chị Trần Nguyễn Bảo Diễm, phường Vỹ Dạ (TP. Huế) có con mới vào lớp 1. Để biết tình hình con đi học ra sao, sau mỗi lần đón con tan học chị Bảo Diễm thường hỏi: “Hôm nay con đi học có vui không?”. Cũng câu hỏi này, một hôm chị thực sự lo ngại khi nghe cậu bé kể lại với gương mặt đầy lo lắng: “Hôm nay, bạn T. rủ con lên tầng 2 đánh bạn ở lớp khác nhưng con không đi. Con nói bạn coi chừng công an bắt”. Khi hỏi tại sao bạn T. lại đánh bạn thì cháu bảo: “Con hỏi mà bạn nói ghét cái thằng đó nên đánh cho hắn biết mặt!”. Ngay ở tiểu học, học sinh đã bắt đầu có những suy nghĩ đơn giản “rủ đi đánh nhau”, mà không ý thức được đó là việc không được làm.
Rõ ràng, mới bước chân vào lớp 1 nên khoan hãy đổ lỗi cho nhà trường. Ở đây, giáo dục gia đình có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, dạy bảo con cái biết cách ứng xử phù hợp, những điều nên làm, không nên làm, không được làm… Giải thích cho con lý do tại sao nên, không nên và không được làm để dần hình thành ý thức và hành vi ứng xử phù hợp cho con. Không ít bố mẹ cho con chơi những trò chơi bạo lực, xem phim bạo lực, lạm dụng điện thoại thông minh, iPad để giữ chân con… Nhiều bố mẹ ham lo công việc, lo kiếm tiền không dành thời gian cho con cái, giao phó việc giáo dục, dạy bảo trẻ cho nhà trường, cho thầy cô chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm không thể thay thế vai trò của bố mẹ. Nhà trường có chức năng, nhiệm vụ giáo dục nhưng không thể làm thay chức năng, nhiệm vụ của bố mẹ học sinh.
“Cháu bị bắt nạt ngay từ khi học cấp 2, vào thời gian này, cháu thực sự lo lắng, chán nản, không muốn đến trường… ” - đó là lời tâm sự của một học sinh sau khi vào trường trung học phổ thông. Đối với học sinh trung học, đây là lứa tuổi dậy thì, tâm sinh lý chưa ổn định, hay thích thể hiện bản thân nhưng lại thiếu hiểu biết và thiếu chín chắn trong suy nghĩ và hành động nên rất dễ nảy sinh mâu thuẫn với bạn bè. Khi mâu thuẫn xảy ra, các em lại không có kỹ năng giải quyết vấn đề. Thiếu nhận thức và hiểu biết pháp luật nên dẫn đến việc lựa chọn hình thức giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột bằng bạo lực. Bạo lực không chỉ bằng hành vi mà nó còn bằng thái độ lạnh nhạt, thờ ơ, bằng ngôn ngữ "chat" với lời lẽ nhục mạ; bằng việc bè nhóm tẩy chay, nói xấu bạn...
Mô hình hay
Cô giáo Phan Thị Hương Giang, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (TP. Huế) khẳng định, lâu nay trường không có tình trạng bạo lực học đường. Cô Giang cho biết, trường đã có nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực bằng cách: “tuyên truyền, nhắc nhở học sinh vào giờ chào cờ, giờ sinh hoạt, ngoại khóa. Đặc biệt, nhà trường đã tổ chức các hoạt động tập thể, các câu lạc bộ... để giúp học sinh có sân chơi lành mạnh và gắn kết với nhau hơn”.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ (TP. Huế) cho rằng: “Để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường trước hết trong nhà trường cần giáo dục cho học sinh ý thức tôn trọng pháp luật, nội quy nhà trường. Giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong việc giáo dục các em; tích hợp lồng ghép nội dung phòng chống bạo lực học đường trong dạy học môn Giáo dục công dân, trong giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ… Đồng thời, cần có những hình thức xử lý nghiêm khắc đối với học sinh vi phạm”.
Ở Trường THPT Hai Bà Trưng (TP. Huế), ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường đã tổ chức tuần sinh hoạt công dân với những chuyên đề thiết thực, như: nội quy, nền nếp học sinh; điều lệ trường trung học phổ thông; phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống tệ nạn xã hội; văn hóa ứng xử... góp phần giúp học sinh hình thành nên những kỹ năng sống cần thiết. Điều quan trọng hơn là giúp các em xác định được điều gì nên làm, được làm và bị cấm làm trong môi trường trường học.
Nhà trường mà đại diện là giáo viên chủ nhiệm lớp phải luôn phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong việc theo dõi, giám sát quá trình học tập và rèn luyện của các con. Trong nhà trường, các tổ chức đoàn thể, như Đoàn thanh niên, Đội tự quản, Ban giám thị, Ban tư vấn tâm lý học sinh, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, theo dõi, giám sát học sinh; định hướng, giúp đỡ học sinh khi các em cần.
Đồng thời, nhà trường cần xây dựng môi trường trường học thân thiện, phải tổ chức nhiều sân chơi bổ ích, lành mạnh để học sinh gắn kết với nhau hơn. Ngoài những chuyên đề trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường cần tổ chức thêm các hoạt động như tọa đàm hoặc nói chuyện chuyên đề cho học sinh về lòng biết ơn, về sự khoan dung, nhân ái…; tổ chức những hoạt động thiết thực để các em thực hành lòng biết ơn, sự quan tâm sẻ chia, như: “thanh niên tình nguyện”, “hiến máu nhân đạo”, “đền ơn, đáp nghĩa", “ủng hộ người nghèo”...
Bằng tình thương và trách nhiệm của người lớn, bằng sự gắn kết và yêu thương, lối sống tích cực và ứng xử có văn hóa… sẽ giúp học sinh nhận thức được bản thân, ý thức được hành vi, điều chỉnh thái độ và hành động thì tự khắc bạo lực học đường sẽ không còn đất để nung nấu.
Nguyễn Thị Hoa Phượng