Người dân đi bộ trên một con đường ở Singapore. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Bảng xếp hạng mới nhất được xuất bản bởi Trường Kinh doanh Insead và Viện Portulans có trụ sở tại Washington (Mỹ). Trong đó, 133 quốc gia được xếp hạng đóng góp 98% sản lượng kinh tế thế giới, đồng thời chiếm hơn 93% dân số toàn cầu.

Các tác giả cho biết thêm, bảng xếp hạng nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư và nhà tuyển dụng hiểu được những xu hướng lao động từ một góc độ toàn cầu.

Kể từ lần đầu tiên chỉ số này được công bố hồi năm 2013, Singapore đã luôn giành vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng thường niên; ngoại trừ năm 2020, khi quốc gia này tụt một bậc xếp hạng.

Bên cạnh đó, báo cáo năm nay cũng đưa ra một bảng xếp hạng dành cho các thành phố trên thế giới. Trong đó, thành phố Singapore đứng thứ 6, sau các thành phố của Mỹ là San Francisco, Boston, Seattle; và các thành phố của Thụy Sĩ gồm Zurich và Lausanne. Đáng chú ý, một lần nữa, Singapore cũng là thành phố châu Á duy nhất lọt vào top 20 của bảng xếp hạng các thành phố.

Ông Helmi Yusoff, chuyên gia đến từ Công ty tư vấn toàn cầu Mercer nhận định: “Mặc dù những nghiên cứu như thế này rất rộng lớn, nhưng chúng cung cấp những hiểu biết hữu ích cho người lao động toàn cầu, những người đang muốn chuyển đến một quốc gia khác”.

Được biết, báo cáo năm nay dài 336 trang, được nghiên cứu dựa trên 69 biến số kinh tế vĩ mô và cấp độ quốc gia, đồng thời đánh giá cách các quốc gia thu hút nhân tài nước ngoài, hỗ trợ người lao động địa phương trong môi trường kinh doanh và quản lý, cũng như cách các quốc gia đào tạo người lao động và giữ chân họ…

Lê Thảo (Lược dịch từ The Straits Times)