KIEP dự báo nền kinh tế thế giới sẽ sụt giảm xuống còn 2,4% trong năm 2023. Ảnh minh hoạ: SGGP

Theo đó, triển vọng tăng trưởng mới này đánh dấu sự sụt giảm so với mức dự báo tăng trưởng 3,6% được đưa ra hồi tháng 5 vừa qua. Đồng thời, KIEP cũng hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống còn 3,1%, thấp hơn 0,4% so với mức tăng trưởng kỳ vọng 3,5% trước đó.

Hồi tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã hạ cấp triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới năm 2023 xuống còn 2,7% trước một loạt các “mối đe doạ”, bao gồm những tác động từ cuộc xung đột Ukraine, áp lực lạm phát, lãi suất tăng cao và hậu quả kéo dài của đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, dự báo tăng trưởng toàn cầu năm tới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thậm chí còn thấp hơn dự báo của KIEP khi chỉ dừng ở mức 2,2%. 

KIEP cho biết ước tính này dựa trên giả định Mỹ và các nền kinh tế lớn khác vẫn tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ trong ít nhất 6 tháng đầu năm tới.

“Nền kinh tế toàn cầu đang đi trên lớp băng mỏng và bất kỳ sự cố nào cũng có thể xảy ra mỗi ngày”, ông Kim Heung-chong - Chủ tịch KIEP nhận định. Cũng theo ông Kim, trong 3 năm qua, điều kiện tài chính của các quốc gia trên toàn cầu đã trở nên mong manh sau 3 năm đại dịch kéo dài và cuộc xung đột Ukraine kéo theo những tác động nghiêm trọng của nó.

Xét theo từng quốc gia, KIEP cho biết tăng trưởng kinh tế hàng năm của nền kinh tế lớn nhất thế giới ước tính chỉ ở mức 0,6% vào năm 2023, do tiêu dùng tư nhân của Mỹ có khả năng bị ảnh hưởng bởi lạm phát và chi phí đi vay tăng cao.

Nền kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone) dự kiến ​​sẽ tiếp tục đi ngang vào năm tới, trong khi nền kinh tế của Anh được dự đoán sẽ giảm 0,2% sau tác động của cuộc xung đột Ukraine.

Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đạt mức tăng trưởng hàng năm là 4,8% nhờ các biện pháp hạn chế COVID-19 được nới lỏng, mặc dù những bất đồng trong mối quan hệ Mỹ-Trung được cho là vẫn có nguy cơ tiềm ẩn, KIEP cho hay.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Yonhap)