Người dân mua sắm lương thực tại một khu chợ ở thủ đô London, Vương quốc Anh. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cụ thể, báo cáo Triển vọng Lương thực mới nhất của FAO cho thấy, con số được dự báo ở mức 1,94 nghìn tỷ USD sẽ là mức cao nhất mọi thời đại, và đánh dấu mức tăng 10% so với kỷ lục được ghi nhận vào năm 2021. Tuy nhiên, tốc độ tăng được dự kiến ​​sẽ chậm lại do giá lương thực cao hơn, và sự trượt giá của các đồng tiền so với đồng USD.

Theo cơ quan lương thực của Liên Hiệp Quốc (LHQ), giá lương thực đã tăng trên toàn thế giới sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát, song cũng đang phần nào sụt giảm. Hai quốc gia này sản xuất khoảng 30% tổng lượng lúa mì xuất khẩu, ngoài các loại ngũ cốc khác và những loại thực phẩm liên quan.

Trong đó, FAO lưu ý, chi phí lương thực tăng cao đã ảnh hưởng không tương xứng đến các quốc gia nghèo hơn. Tổng chi phí nhập khẩu lương thực đối với các quốc gia có thu nhập thấp được dự kiến ​​sẽ gần như không thay đổi, mặc dù được dự báo sẽ giảm 10% về khối lượng, cho thấy vấn đề tiếp cận lương thực ngày càng tăng đối với các quốc gia này.

“Đây là những dấu hiệu đáng báo động từ góc độ an ninh lương thực, cho thấy các nhà nhập khẩu đang gặp khó khăn trong việc tài trợ cho chi phí quốc tế tăng cao”, FAO nói thêm.

Đáng chú ý, báo cáo Triển vọng Lương thực cũng cảnh báo, những khác biệt hiện có khả năng sẽ trở nên rõ rệt hơn. Các quốc gia có thu nhập cao sẽ tiếp tục nhập khẩu toàn bộ các sản phẩm thực phẩm, trong khi những quốc gia đang phát triển trên thế giới sẽ ngày càng tập trung vào các mặt hàng chủ lực.

Trong một động thái liên quan hồi tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông qua một Cơ chế Chống sốc Lương thực mới, để cung cấp tài chính khẩn cấp cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn. FAO đã lên tiếng hoan nghênh động thái này, và gọi đây là một bước đi quan trọng nhằm giảm bớt gánh nặng do chi phí nhập khẩu lương thực leo thang.

Thanh Ngân (Lược dịch từ UN News)