Cần giảm tải công việc không tên cho giáo viên (ảnh minh họa)
Câu chuyện một phụ huynh cãi tay đôi với giáo viên vì cho rằng, mình đã đóng tiền ăn bán trú cho con, nhưng cô giáo quên chưa vô sổ đang râm ran. Dù ai đúng, ai sai, tôi vẫn mãi lăn tăn chuyện này khi giáo viên mang trên vai quá nhiều gánh nặng ngoài chuyên môn.
Không riêng gì tôi, nhiều người bày tỏ thái độ không đồng tình khi thầy cô phải “kiêm nhiệm” thu tiền ăn bán trú hàng tháng. Cứ vài ba tiếng, cô giáo phải cập nhật khoản đóng tiền ăn của phụ huynh lên nhóm lớp. Mà đâu chỉ khoản thu ấy, nào là học phí, quỹ phụ huynh trường, quỹ các đoàn thể, quỹ khuyến học, quỹ hỗ trợ cơ sở vật chất... Điều này khiến không ít thầy, cô khổ tâm khi "cứ gặp mặt học sinh là phải đòi tiền".
Ở thành phố, việc thu các khoản tiền vẫn có phần nhẹ nhàng hơn, nhưng đối với học sinh ở vùng nông thôn thuần nông thì lại khó khăn, vì đa số cha mẹ các em làm ruộng, chỉ đủ ăn hàng ngày. Vì thế, chỉ chuyện thu tiền, vận động phụ huynh đóng góp các khoản trong năm học cũng đủ cho giáo viên mệt mỏi, bởi mỗi lớp có trên 35 em mà "chín người, mười ý".
Tôi đọc trong điều lệ nhà trường hiện nay và Luật Giáo dục (2019) không có nhiệm vụ nào của giáo viên, kể cả công tác phối hợp, rằng phải thu các khoản tiền từ học sinh. Chỉ tính riêng chuyện thu hộ bảo hiểm y tế cũng thật phiền phức, vì không phải phụ huynh nào cũng có gần cả triệu để nộp liền. Nhưng, hiệu trưởng nhận nhiệm vụ triển khai bảo hiểm y tế cũng chịu áp lực và áp lực đó dồn về giáo viên cùng những biện pháp “thi đua” đóng đủ, đúng thời gian quy định!
Giáo viên hiện nay, nhất là giáo viên chủ nhiệm có rất nhiều công việc liên quan đến nghiệp vụ, chuyên môn. Có hàng chục đầu việc được liệt kê, chẳng hạn: xây dựng kế hoạch giáo dục, soạn giảng, công tác kiểm tra, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, các kế hoạch phối hợp, giáo dục học sinh cá biệt, công tác thi đua, các công tác đoàn thể, bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ, an toàn giao thông, phòng, chống bạo lực học đường… Đặc biệt, với chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các lớp học theo sách giáo khoa mới, giáo viên càng lắm việc phải làm, nhất là luôn được yêu cầu đổi mới.
Trong bối cảnh hiện nay, họ cần có thời gian để tự học, tự nghiên cứu. Nhà giáo cần môi trường làm việc chuyên nghiệp. Ở đó, họ bình tâm, có thời gian thực hành đổi mới, sáng tạo. Muốn đạt được điều đó, thiết nghĩ, giáo viên tuyệt đối không phải kiêm nhiệm thu hộ các khoản tiền từ phụ huynh.
Không để giáo viên chủ nhiệm thu tiền là điều cần thiết để họ chuyên tâm việc dạy dỗ. Điều này không phải không làm được khi TP. Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác trong năm học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn. Trong đó, có những quy định như “khi thu phải cấp hóa đơn thu tiền cho từng học sinh thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường, tuyệt đối không được giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền và đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định”.
Thực tế, mỗi trường học từ mầm non đến trung học phổ thông, trường học nào cũng có 1 kế toán và 1 thủ quỹ. Trường nào cũng mở tài khoản riêng và phụ huynh bây giờ có rất nhiều người đã và đang sử dụng các dịch vụ chuyển tiền qua Internet. Nếu chỉ cần một thay đổi nhỏ thôi, đó là đầu năm nhà trường thông báo các khoản thu đến phụ huynh và cung cấp số tài khoản nhà trường thì phụ huynh có thể chuyển nộp cho con mình một cách nhanh chóng và minh bạch nhất.
Những gia đình nào không sử dụng thẻ thì phụ huynh hoặc học sinh có thể đến trường nộp cho thủ quỹ nhà trường các khoản thu. Đối với tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn thì nộp cho nhân viên y tế.
Đừng để giáo viên chủ nhiệm cứ đầu giờ học là lại phải nhắc chuyện học sinh đóng tiền rồi sau đó mới đến việc giảng dạy của mình - một chuyện vô cùng nhạy cảm trong mối quan hệ thầy - trò trong mỗi giờ học.
Bài, ảnh: Thu Huế