Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn. Ảnh: Ngọc Thúy/TTXVN

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Chương, Hiệu Trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng “mặc dù hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ đã đạt được nhiều thành tựu, song hợp tác trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo, kết nối thị trường, đầu tư giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng trong khi Ấn Độ là quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển đứng thứ 3 thế giới.

Các công ty khởi nghiệp kỳ lân cùng nhiều quỹ đầu tư khởi nghiệp lớn của Ấn Độ đang có các kế hoạch thâm nhập thị trường Đông Nam Á. Việt Nam là quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp tăng trưởng nhanh, trở thành điểm sáng ở Đông Nam Á.”

Theo Giáo sư Phạm Hồng Chương, Việt Nam cần phải tăng cường các hoạt động hợp tác, học hỏi kinh nghiệm từ Ấn Độ, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp hai nước để phát triển cả về lượng lẫn chất.

Ông nhấn mạnh với vai trò là trường đại học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh, đồng thời là tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp có thương hiệu trong hệ sinh thái ở Việt Nam, Đại học Kinh tế Quốc dân luôn sẵn sàng đồng hành với các đối tác Việt Nam và Ấn Độ tạo ra mạng lưới kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư, chuyên gia của hai nước, góp phần thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của hai nước.

Cũng tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Thanh Hải, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ đã nhấn mạnh đến tính chất và ý nghĩa của diễn đàn khởi nghiệp Việt Nam-Ấn Độ lần đầu tiên được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Ngoại giao.

Đại sứ cho biết Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hợp tác truyền thống lâu đời và hiện là đối tác chiến lược toàn diện của nhau với 5 trụ cột hợp tác quan trọng gồm chính trị-ngoại giao, quốc phòng-an ninh, kinh tế-thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa-giao lưu nhân dân.

Trong 50 năm qua, quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là quan hệ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Hiện nay, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Ấn Độ và Ấn Độ đã có những đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Chia sẻ về những thành tựu đạt được của Ấn Độ trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo và những cơ hội hợp tác cho Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Ấn Độ là quốc gia có thế mạnh về các lĩnh vực khoa học công nghệ và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Ấn Độ trong những năm qua đã liên tục phát triển và đến nay đã đứng thứ 3 thế giới với gần 80.000 công ty khởi nghiệp, hơn 110 công ty trở thành kỳ lân (unicorn) với số vốn trên 1 tỷ USD, 4 công ty trở thành siêu kỳ lân (decacorn) với số vốn trên 10 tỷ USD.

Các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ đã nghiên cứu, phát triển, ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ mới trên nhiều lĩnh vực.

Trong số các trung tâm khởi nghiệp của Ấn Độ, bang Kerala cũng là nơi có nhiều chính sách tạo thuận lợi cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Cơ quan khởi nghiệp Kerala (Kerala Startup Mission - KSUM) là đơn vị chủ trì đã góp phần quan trọng trong các thành công của bang Kerala trong lĩnh vực này.

Những thành công của Ấn Độ nói chung và bang Kerala nói riêng trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hoàn toàn có thể chia sẻ, hợp tác với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Đại sứ khẳng định khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một lĩnh vực mới nhưng có rất nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác cho hai bên.

Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Chương, Hiệu Trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn. Ảnh: Ngọc Thúy/TTXVN

Ông nhấn mạnh Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và Khoa học Công nghệ, đồng thời tiếp tục tạo thêm nhiều cơ hội để các tổ chức, cá nhân trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của hai bên được kết nối, từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác khác trong tương lai.

Từ phía Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, đã bày tỏ mong muốn Việt Nam và Ấn Độ hợp tác trong khuôn khổ Techfest Quốc gia và hy vọng các startup, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp của Ấn Độ sẽ tham dự Techfest Quốc gia 2022, theo đó mở ra những cơ hội hợp tác giữa hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hai nước trong thời gian tới.

Chương trình đã thu hút sự tham gia của gần 20 Quỹ đầu tư Việt Nam và Ấn Độ cùng các startup nhiều tiềm năng trong hệ sinh thái khởi nghiệp của hai bên.

Sau phiên chia sẻ về hệ sinh thái khởi nghiệp của mỗi nước từ phía các chuyên gia, 12 công ty khởi nghiệp được lựa chọn đã trình bày ngắn gọn về dự án và mô hình kinh doanh của mình.

Một số dự án của phía Việt Nam được phía Ấn Độ quan tâm như dự án bàn học chống gù, chống cận dành cho học sinh, mô hình thể thao cộng đồng, dự án sữa hữu cơ, sản xuất sợi từ lá dứa…

Các nội dung tham gia trình bày từ phía Ấn Độ đều là dự án trong lĩnh vực công nghệ như công nghệ giáo dục, máy bay không người lái dùng trong nông nghiệp…

Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam-Ấn Độ hy vọng sẽ mở ra những cơ hội hợp tác thiết thực và hiệu quả trong thời gian tới giữa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa hai nước.

Theo TTXVN/Vietnam+