Làng nghề chế biến thủy sản Phú Thuận đang băn khoăn về giải pháp bảo vệ môi trường

Đến nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 86 làng nghề; trong đó có 57 làng nghề truyền thống và ngành nghề nông thôn. Các loại hình hoạt động tại các làng nghề, như tiểu thủ công nghiệp, dệt - thêu, chế biến nông - lâm - thủy - hải sản, sản xuất vật liệu xây dựng…

Mới đây trong chuyến thăm làng nghề chế biến thủy sản Phú Thuận và Phú Hải (Phú Vang) mới thấy mọi hoạt động nơi đây phát triển ổn định. Sản lượng mỗi làng nghề, như nước mắm lên hàng trăm nghìn lít mỗi năm, nhiều đại lý khách hàng trong, ngoại tỉnh tin dùng.

Dù vậy, hoạt động sản xuất của các làng nghề ở đây hiện vẫn mang nặng tính "gia truyền". Phần lớn các hộ sản xuất chế biến đều tập trung tại vườn nhà, chưa quan tâm nhiều vấn đề xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu vực. Đây là vấn đề trăn trở của cấp ủy, chính quyền sở tại khi ngành nghề ngày mỗi phát triển, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. 

Không riêng những làng nghề chế biến thủy sản, phần lớn các làng nghề ở Thừa Thiên Huế hiện vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống. Công nghệ sản xuất lạc hậu, không đồng bộ và đều do các hộ gia đình làm chủ, thuê lao động tại chỗ. Hầu hết các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề chưa chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường.

Một chuyên gia môi trường ở tỉnh cho rằng, đánh giá về thực trạng công tác bảo vệ môi trường ở các làng nghề trong những năm qua đã có nhiều có nhiều chuyển biến đáng kể. Tại các làng nghề, một số mô hình xử lý chất thải đã được triển khai, bước đầu đã hạn chế được ô nhiễm môi trường, như: làng nghề đúc đồng phường Đúc; sản xuất gạch ngói Hương Vinh (TP. Huế); nghề sản xuất bún Ô Sa, xã Quảng Vinh (Quảng Điền)... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều làng nghề chưa quan tâm về môi trường đúng mức. Lý do có thể thấy rõ, như làng nghề hoạt động manh mún, nhỏ lẻ; việc cải tiến công nghệ ở các làng nghề còn chậm, chủ yếu mang tính tự phát. Các chính sách khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng... chưa được tiếp cận.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, đến nay phần lớn các làng nghề ở địa phương vẫn chưa quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thuận lợi trong quản lý và xử lý chất thải; chưa có giải pháp về tổ chức thu gom, xử lý chất thải hiệu quả và thực hiện được công tác xã hội hóa về bảo vệ môi trường.

Cùng với điều kiện về cơ sở vật chất vừa thiếu và yếu, công tác quản lý môi trường các làng nghề còn những bất cập về con người và hệ thống pháp luật. Phần lớn cán bộ ở cấp huyện, xã, phường đều chưa được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý môi trường, do đó công tác này gần như bỏ trống. Những nguyên nhân này dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường các làng nghề ngày càng phức tạp, làm ảnh hưởng đến tiêu chí đánh giá của xã nông thôn mới hiện nay.

Trước thực trạng này, không chỉ tự thân các chủ cơ sở, làng nghề mà còn cần sự hỗ trợ của Nhà nước để có giải pháp giải quyết sớm tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là để bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng bền vững.

Bài, ảnh: Song Văn