Tăng trưởng của 5 nền kinh tế lớn của ASEAN có thể giảm trong năm 2023 do các đợt tăng lãi suất của Fed và thị trường Trung Quốc hạ nhiệt. Ảnh minh họa: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang

Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nền kinh tế lớn bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan có thể sẽ giảm xuống còn 4,3% vào năm 2023, thấp hơn so với dự đoán đưa ra bởi Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) - Nikkei Asia hồi tháng 6 vừa qua là 4,8%.

Tỷ lệ tăng trưởng của ASEAN cũng có thể sẽ giảm đi sau khi đạt đỉnh vào quý III, sau đó giảm xuống mốc 4,3% vào năm 2023, tức giảm hơn 0,5% từ mức khảo sát trước đó.

Mặc dù cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản và Nikkei Asia không bao gồm 5 nền kinh tế khác, song do các mối liên kết thương mại và đầu tư chặt chẽ, cũng như tính liên kết giữa các nền kinh tế, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều khó thoát khỏi tác động...

Phần lớn các cơ quan đa phương đều nhìn thấy mức tăng trưởng khá dành cho Campuchia trong năm nay, nhưng với những khó khăn toàn cầu đang hiển hiện rất rõ, các chuyên gia hầu như sẽ “không ngại” điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế cho năm tới. Đơn cử, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế cho Campuchia ở mức 5,3% vào năm 2022, nhưng đã hạ dự báo cho năm 2023 từ 6,5% xuống còn 6,2% do tăng trưởng toàn cầu yếu hơn.

Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia đã chốt mức tăng trưởng kinh tế năm 2023 của nước này ở mức 6,6% và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người ở mức 1.924 USD.

Các nhà kinh tế và chuyên gia từ 5 quốc gia thành viên ASEAN và Ấn Độ, những người tham gia vào cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 9 vừa qua đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 cho 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á được nêu trên do lo ngại suy thoái toàn cầu trong bối cảnh lãi suất tại Mỹ tăng.

Cụ thể, triển vọng cho năm tới của Indonesia đã giảm từ mức 5,1% xuống còn 4,9%, Malaysia từ 4,6% xuống còn 4%, Philippines từ 5,6% xuống còn 5,4%, Singapore từ 3,5% xuống còn 2,2% và Thái Lan chạm mốc 3,7%, giảm sâu so với mức 4,4% ước tính trong tháng 6.

Trong khi đó, vào năm 2022, 5 quốc gia này được dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế là 5%, bằng với mức dự báo của cuộc khảo sát đưa ra hồi tháng 6. Các nhà kinh tế kỳ vọng Indonesia sẽ tăng trưởng 5,1%, Malaysia 6,9%, Philippines 6,5%, Singapore 3,8% và Thái Lan 3,2%.

Sự suy thoái của Mỹ và hậu quả là tiêu dùng giảm có thể dẫn đến xuất khẩu yếu hơn ở khu vực châu Á, điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của khu vực trong năm tới. Đây là điệp khúc chung của các nhà kinh tế.

Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)