Tác phẩm “Hà Văn Lâu, người đi từ bến làng Sình”  của nhà văn Trần Công Tấn

Cuốn truyện ký của nhà văn Trần Công Tấn, mà thực chất chính là tự truyện của ông Hà Văn Lâu do nhà văn chấp bút, được thể hiện từ góc nhìn của chính “người trong cuộc”, miêu tả mọi sự kiện, chi tiết trong cuộc đời người con làng Sình ngay cả khi… chưa ra đời đến các mặt trận quân sự, ngoại giao từ Nha Trang, Bình Trị Thiên đến Giơ-ne-vơ, Paris, New York… Cả câu chuyện vợ ông, bà Diệu Hương – cựu nữ sinh Đồng Khánh Huế – bị căn bệnh “kỳ lạ” hành hạ bà suốt 13 năm mà các bác sĩ trong ngoài nước không sao chữa lành (nhưng rồi may mắn ông đã gặp lại vị đại tá quân y là đồng đội cũ, lại từng cùng ông trong đoàn đàm phán Hiệp định Paris và người bác sĩ quân y khi biết Diệu Hương từng sang ở New York với ông năm 1978, chẩn đoán bà bị tia xạ mạnh của những kẻ không “thân thiện” chiếu vào ngôi nhà nhiều lần mà không biết) (!)... Hay cả việc vợ chồng ông suýt chết đuối giữa cơn lũ lịch sử 1999 khi về ở trong căn nhà phía sau Đại Nội Huế…

Bà Hà Thị Diệu Hồng (con gái ông Hà Văn Lâu) và nhà báo Kiều Mai Sơn lại cung cấp cho bạn đọc tư liệu từ nhiều góc nhìn khác nhau qua 27 “tiểu mục” của ba phần cuốn sách dày gần 300 trang vừa ra mắt. Phần I “Hồi ức” gồm 12 bài viết của chính ông Hà Văn Lâu. Trong đó, ông dành nhiều trang kể lại cuộc chiến đấu ở mặt trận Huế và Bình Trị Thiên thời chống Pháp và những cảm nhận sâu sắc sau những lần được gặp gỡ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các tướng lĩnh, như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Trần Quý Hai, Cao Văn Khánh… Phần 2 và 3 gồm bài viết của nhiều nhà văn, nhà báo sau khi được gặp và nghe ông kể chuyện đời mình, cung cấp cho bạn đọc nhiều chi tiết lý thú và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhà ngoại giao - Đại tá Hà Văn Lâu.

Quá nhiều chuyện trong cuộc đời dài ngót một thế kỷ của vị Đại tá - nhà ngoại giao đặc biệt này. Cuộc triển lãm ảnh và sách về cuộc đời ông lại đang diễn ra tại một “địa chỉ” cũng đặc biệt: Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị bên cầu Trường Tiền. Có thể nói nữ nghệ sĩ điêu khắc Điềm Phùng Thị và nhà ngoại giao họ Hà đều có “duyên” gắn kết với Paris và cùng góp phần làm rạng danh đất Việt trên trường quốc tế. Với ông Hà Văn Lâu, cũng vào những ngày tháng 12 lịch sử, quanh “địa chỉ vàng” trên đất Huế này là nơi diễn ra trận mở đầu cuộc chiến trường kỳ 9 năm lần thứ nhất, khi ông vừa rời mặt trận Nha Trang về nhận nhiệm vụ Trung đoàn trưởng Trần Cao Vân ngày 11/12/1946.

“… Sáng ngày 11, chiếc xe dừng lại bên này cầu Trường Tiền. Sông Hương đã hiện ra trước mắt… Sáu Lâu nghĩ bụng: Bây giờ được bước lên một con thuyền xuôi dòng chỉ hết vài bài hò mái nhì, mái đẩy là đến ngã ba Sình, nơi mẹ và Diệu Hương đang ngày đêm trông con, đợi chồng…”

Nhà văn Trần Công Tấn đã miêu tả giờ phút đầu tiên người con làng Sình trở về chỉ huy cuộc chiến đấu ở Huế như thế. Lúc đó, Huế thanh bình đang như một lò thuốc súng sắp bùng nổ vì quân xâm lược đã bắt đầu quay lại. Vị tân chỉ huy Trung đoàn Trần Cao Vân chưa đầy 30 tuổi đành gác tình riêng, đến Trụ sở Việt Minh Trung bộ đóng gần cửa Thượng Tứ gặp ngay Bí thư Xứ ủy Nguyễn Chí Thanh nhận nhiệm vụ mới, rồi cùng các chỉ huy trong Ban Chỉ huy Trung đoàn kiểm tra quân ngũ, bố trí trận địa…

Trong bài “Trở về chiến đấu trên quê hương” ở Phần I cuốn sách vừa xuất bản, ông Hà Văn Lâu kể: “…Sau khi tìm hiểu các đơn vị thuộc quyền chỉ huy, tôi liền đi điều tra địa hình TP. Huế. Ngồi trên mình con ngựa Carôlin mà trung đoàn tiếp thu của vua Bảo Đại, tôi cùng chú liên lạc Phan Nghi đi xem xét các ngõ ngách trong nội thành, rồi qua nắm địa bàn quân Pháp đóng bên bờ Nam sông Hương. Sau đó, chúng tôi đi ra ngoại thành và quanh vùng ven Huế. Lúc ngang qua làng Sình - Lại Ân, tôi ghé thăm mẹ và Diệu Hương độ nửa giờ. Vợ tôi thì sau khi vỡ mặt trận ít lâu, anh em trong đơn vị đón lên chiến khu, còn mẹ thì có ngờ đâu lần từ giã hôm đó là lần gặp lại mẹ cuối cùng trong đời. Ba mươi năm sau (1976), tôi mới được trở lại làng Sình, thì mẹ đã mất trước đó mười năm! Tôi còn nhớ mãi lời mẹ dặn hôm đó: “Đi cho mạnh giỏi, đánh mau cho hết Tây rồi về với mẹ nghe con”...

Cuộc chiến đấu cuối tháng 12/1946, mở đầu bằng quả thủy lôi nặng 500kg đánh sập một nhịp cầu Trường Tiền, ngăn bước tiến của quân xâm lược sau lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch thì nhiều sách, báo đã viết. Chỉ có sự trùng hợp khá kỳ lạ khó lý giải là cậu bé làng Sình sinh vào tháng 12, trở lại Huế chiến đấu cũng tháng 12 và ngày ông về quê hương lần cuối gặp tổ tiên lại cũng tháng 12! Có phải cái mạch kết nối bí ẩn đó đã dẫn tới cuộc triển lãm và ra mắt cuốn sách về Đại tá Hà Văn Lâu cũng lại diễn ra vào tháng 12 với mong ước “gửi gắm một thông điệp nhỏ: Nhà ngoại giao - Đại tá Hà Văn Lâu luôn SỐNG LÂU ở quê hương - xứ Huế!” như người biên soạn đã ngỏ lời đầu cuốn sách…

Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ