ClockThứ Bảy, 10/12/2022 14:28

Đại tá - Đại sứ Hà Văn Lâu, chuyện chưa phải ai cũng biết

TTH - Cuộc đời gần một thế kỷ của nhà ngoại giao - Đại tá Hà Văn Lâu phong phú, đa dạng và hấp dẫn như một trường thiên tiểu thuyết. Cách đây 18 năm, nhà văn Trần Công Tấn đã viết tác phẩm “Hà Văn Lâu, người đi từ bến làng Sình” dày 600 trang (NXB Phụ Nữ, 2004). Có thể nói, cuốn truyện ký khá sinh động này và cuốn sách “Đại tá Hà Văn Lâu, Hồi ức cách mạng trong kỷ niệm” - Hà Thị Diệu Hồng & Kiều Mai Sơn tuyển chọn - biên soạn, do NXB Thông tin & Truyền thông vừa in, nhân dịp tiến tới kỷ niệm 105 ngày sinh nhà ngoại giao - Đại tá Hà Văn Lâu (9/12/1918 - 6/12/2016) là những tư liệu quý, chân thực và phong phú để có thể dựng nên một tiểu thuyết sử thi về cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

Những giọt buồn chơi vơiNhững người thầy đáng kính từ góc nhìn thân thiếtBồng bềnh mắt núi

Tác phẩm “Hà Văn Lâu, người đi từ bến làng Sình”  của nhà văn Trần Công Tấn

Cuốn truyện ký của nhà văn Trần Công Tấn, mà thực chất chính là tự truyện của ông Hà Văn Lâu do nhà văn chấp bút, được thể hiện từ góc nhìn của chính “người trong cuộc”, miêu tả mọi sự kiện, chi tiết trong cuộc đời người con làng Sình ngay cả khi… chưa ra đời đến các mặt trận quân sự, ngoại giao từ Nha Trang, Bình Trị Thiên đến Giơ-ne-vơ, Paris, New York… Cả câu chuyện vợ ông, bà Diệu Hương – cựu nữ sinh Đồng Khánh Huế – bị căn bệnh “kỳ lạ” hành hạ bà suốt 13 năm mà các bác sĩ trong ngoài nước không sao chữa lành (nhưng rồi may mắn ông đã gặp lại vị đại tá quân y là đồng đội cũ, lại từng cùng ông trong đoàn đàm phán Hiệp định Paris và người bác sĩ quân y khi biết Diệu Hương từng sang ở New York với ông năm 1978, chẩn đoán bà bị tia xạ mạnh của những kẻ không “thân thiện” chiếu vào ngôi nhà nhiều lần mà không biết) (!)... Hay cả việc vợ chồng ông suýt chết đuối giữa cơn lũ lịch sử 1999 khi về ở trong căn nhà phía sau Đại Nội Huế…

Bà Hà Thị Diệu Hồng (con gái ông Hà Văn Lâu) và nhà báo Kiều Mai Sơn lại cung cấp cho bạn đọc tư liệu từ nhiều góc nhìn khác nhau qua 27 “tiểu mục” của ba phần cuốn sách dày gần 300 trang vừa ra mắt. Phần I “Hồi ức” gồm 12 bài viết của chính ông Hà Văn Lâu. Trong đó, ông dành nhiều trang kể lại cuộc chiến đấu ở mặt trận Huế và Bình Trị Thiên thời chống Pháp và những cảm nhận sâu sắc sau những lần được gặp gỡ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các tướng lĩnh, như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Trần Quý Hai, Cao Văn Khánh… Phần 2 và 3 gồm bài viết của nhiều nhà văn, nhà báo sau khi được gặp và nghe ông kể chuyện đời mình, cung cấp cho bạn đọc nhiều chi tiết lý thú và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhà ngoại giao - Đại tá Hà Văn Lâu.

Quá nhiều chuyện trong cuộc đời dài ngót một thế kỷ của vị Đại tá - nhà ngoại giao đặc biệt này. Cuộc triển lãm ảnh và sách về cuộc đời ông lại đang diễn ra tại một “địa chỉ” cũng đặc biệt: Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị bên cầu Trường Tiền. Có thể nói nữ nghệ sĩ điêu khắc Điềm Phùng Thị và nhà ngoại giao họ Hà đều có “duyên” gắn kết với Paris và cùng góp phần làm rạng danh đất Việt trên trường quốc tế. Với ông Hà Văn Lâu, cũng vào những ngày tháng 12 lịch sử, quanh “địa chỉ vàng” trên đất Huế này là nơi diễn ra trận mở đầu cuộc chiến trường kỳ 9 năm lần thứ nhất, khi ông vừa rời mặt trận Nha Trang về nhận nhiệm vụ Trung đoàn trưởng Trần Cao Vân ngày 11/12/1946.

“… Sáng ngày 11, chiếc xe dừng lại bên này cầu Trường Tiền. Sông Hương đã hiện ra trước mắt… Sáu Lâu nghĩ bụng: Bây giờ được bước lên một con thuyền xuôi dòng chỉ hết vài bài hò mái nhì, mái đẩy là đến ngã ba Sình, nơi mẹ và Diệu Hương đang ngày đêm trông con, đợi chồng…”

Nhà văn Trần Công Tấn đã miêu tả giờ phút đầu tiên người con làng Sình trở về chỉ huy cuộc chiến đấu ở Huế như thế. Lúc đó, Huế thanh bình đang như một lò thuốc súng sắp bùng nổ vì quân xâm lược đã bắt đầu quay lại. Vị tân chỉ huy Trung đoàn Trần Cao Vân chưa đầy 30 tuổi đành gác tình riêng, đến Trụ sở Việt Minh Trung bộ đóng gần cửa Thượng Tứ gặp ngay Bí thư Xứ ủy Nguyễn Chí Thanh nhận nhiệm vụ mới, rồi cùng các chỉ huy trong Ban Chỉ huy Trung đoàn kiểm tra quân ngũ, bố trí trận địa…

Trong bài “Trở về chiến đấu trên quê hương” ở Phần I cuốn sách vừa xuất bản, ông Hà Văn Lâu kể: “…Sau khi tìm hiểu các đơn vị thuộc quyền chỉ huy, tôi liền đi điều tra địa hình TP. Huế. Ngồi trên mình con ngựa Carôlin mà trung đoàn tiếp thu của vua Bảo Đại, tôi cùng chú liên lạc Phan Nghi đi xem xét các ngõ ngách trong nội thành, rồi qua nắm địa bàn quân Pháp đóng bên bờ Nam sông Hương. Sau đó, chúng tôi đi ra ngoại thành và quanh vùng ven Huế. Lúc ngang qua làng Sình - Lại Ân, tôi ghé thăm mẹ và Diệu Hương độ nửa giờ. Vợ tôi thì sau khi vỡ mặt trận ít lâu, anh em trong đơn vị đón lên chiến khu, còn mẹ thì có ngờ đâu lần từ giã hôm đó là lần gặp lại mẹ cuối cùng trong đời. Ba mươi năm sau (1976), tôi mới được trở lại làng Sình, thì mẹ đã mất trước đó mười năm! Tôi còn nhớ mãi lời mẹ dặn hôm đó: “Đi cho mạnh giỏi, đánh mau cho hết Tây rồi về với mẹ nghe con”...

Cuộc chiến đấu cuối tháng 12/1946, mở đầu bằng quả thủy lôi nặng 500kg đánh sập một nhịp cầu Trường Tiền, ngăn bước tiến của quân xâm lược sau lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch thì nhiều sách, báo đã viết. Chỉ có sự trùng hợp khá kỳ lạ khó lý giải là cậu bé làng Sình sinh vào tháng 12, trở lại Huế chiến đấu cũng tháng 12 và ngày ông về quê hương lần cuối gặp tổ tiên lại cũng tháng 12! Có phải cái mạch kết nối bí ẩn đó đã dẫn tới cuộc triển lãm và ra mắt cuốn sách về Đại tá Hà Văn Lâu cũng lại diễn ra vào tháng 12 với mong ước “gửi gắm một thông điệp nhỏ: Nhà ngoại giao - Đại tá Hà Văn Lâu luôn SỐNG LÂU ở quê hương - xứ Huế!” như người biên soạn đã ngỏ lời đầu cuốn sách…

Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng Châu Thu Hà “Nhận mặt thời gian”

Trước “Nhận mặt thời gian”, NXB Thuận Hóa, 2023, Châu Thu Hà đã trình làng 2 tác phẩm “Khúc đêm” (2002) và “Nép về phía anh” (2014). Nữ thi sĩ chủ yếu viết về tình yêu lứa đôi. Thơ tình của chị vừa “dữ dội” vừa “dịu êm”, vừa “ồn ào” vừa “lặng lẽ”. Có điều, khoảng cách thời gian khá dài giữa 3 tập thơ tạo cho mỗi tập có những sắc thái tình cảm riêng. Tập đầu: rụt rè và e ấp; tập thứ hai: mãnh liệt và nồng cháy; tập thứ ba: nhẹ nhàng và sâu lắng.

Cùng Châu Thu Hà “Nhận mặt thời gian”
Ẩm thực ven đường Huế

“Ẩm thực ven đường Huế” (NXB Phụ nữ Việt Nam) là cuốn sách mới nhất của tác giả Vũ Thế Thành vừa ra mắt độc giả trong tháng 4 vừa qua. Cuốn sách là góc nhìn của một “người khách phương xa đến Huế nhiều lần” và dành tình yêu đặc biệt với Huế, nhất là những món ăn.

Ẩm thực ven đường Huế
Trong nỗi hoài vọng cố hương

Nhà thơ Triệu Nguyên Phong quê ở Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng ông sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên Huế. Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Cuối năm 2023, nhà thơ Triệu Nguyên Phong vừa ra mắt độc giả tập thơ thứ bảy của mình “Theo bóng ta về”, do NXB Thuận Hóa ấn hành. Các tập thơ trước đó gồm: “Say đắng” (2005), Nắng và mưa (2006), Ta và bóng (2009), Rơm rạ chiều quê (2011), Ngược dòng trăng (2013), Ta tìm ta giữa đời (2017).

Trong nỗi hoài vọng cố hương
Theo đường xuất bản theo đường văn

Với gần 300 trang sách, tập bút ký “Theo đường xuất bản theo đường văn” (NXB Thuận Hóa, 2023) được tác giả Nguyễn Duy Tờ “nhớ, biết và viết” trong suốt thời gian một năm, kể từ tháng 10/2022 - tháng 10/2023. Cuốn sách ghi lại những kỷ niệm, tình cảm đặc biệt của ông dành cho những con người tài hoa mà nhờ “theo con đường xuất bản nhiều năm”, ông đã có cơ duyên gặp gỡ.

Theo đường xuất bản theo đường văn
Độc đáo “Lục bát món Huế”

Tháng 1 năm 2024, anh Lê Tân - người thực hành văn hóa ẩm thực Huế cho xuất bản một cuốn sách hết sức độc đáo “Lục bát món Huế” do Nxb Hội Nhà văn ấn hành. Sách dày 285 trang, in màu rất đẹp, bìa do họa sĩ Đặng Mậu Tựu trình bày. Đúng như tên gọi, “Lục bát món Huế” gồm 480 cặp (960 câu) lục bát, giới thiệu và dạy các món ăn và gia vị đặc trưng Huế. Mỗi món ăn được giới thiệu, ngoài bài thơ lục bát, còn có hình ảnh minh họa, và ghi rõ tên nghệ nhân trao truyền công thức chế biến. Điều đó cho thấy tác giả hết sức nghiêm túc khi ấn hành cuốn sách ẩm thực độc đáo này.

Độc đáo “Lục bát món Huế”

TIN MỚI

Return to top