Các đơn vị đào tạo sẽ tiếp tục triển khai hoạt động tư vấn, hỗ trợ thí sinh

Giữ nguyên các phương thức

Kết thúc các đợt tuyển sinh năm 2022, toàn ĐH Huế tuyển được 11.681 tân sinh viên, chiếm khoảng 84% so với tổng chỉ tiêu. Xét tình hình tuyển sinh so với mặt bằng chung các năm và so với các cơ sở giáo dục trên cả nước, tỷ lệ thí sinh nhập học/chỉ tiêu của ĐH Huế cơ bản ở mức cao. Trong đó, nhiều đơn vị thu hút lượng thí sinh khá lớn, như: Trường ĐH Kinh tế (khoảng 2.400 sinh viên), Trường ĐH Ngoại ngữ (khoảng 1.900 sinh viên)…

Từ kết quả tuyển sinh 2022, ĐH Huế đang rà soát và dự kiến giữ nguyên 5 phương thức tuyển sinh trong năm 2023, gồm: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông (điểm học bạ); Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; Xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc dựa vào điểm học bạ kết hợp với kết quả thi tuyển năng khiếu (đối với các ngành năng khiếu); Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh hiện hành và xét tuyển theo phương thức riêng của các đơn vị đào tạo trong ĐH Huế.

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, qua thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cả nước có khoảng 20 phương thức tuyển sinh, tuy nhiên có nhiều phương thức kém hiệu quả, gây nhiễu loạn thông tin cho thí sinh, thậm chí gây mất công bằng, Bộ GD&ĐT cũng chủ trương dẹp “ma trận” phương thức xét tuyển. Đối với ĐH Huế, 5 phương thức trên cơ bản được ĐH Huế hoàn thiện những năm gần đây và không có nhiều những thay đổi lớn qua các năm. Vì vậy, dự kiến sẽ được giữ nguyên để ổn định, tránh xáo trộn không cần thiết.

Dựa trên 5 phương thức tuyển sinh trên, ĐH Huế cũng dự kiến tổng chỉ tiêu tuyển sinh 2023 là khoảng 14.000 thí sinh cho tất cả các phương thức, ở tất cả các trường thành viên, khoa, phân hiệu, đơn vị thuộc và trực thuộc ĐH Huế. Theo đại diện Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, năng lực đào tạo của các đơn vị chắc chắn cao hơn, song, việc cơ bản giữ ổn định chỉ tiêu để đảm bảo nguồn tuyển trong bối cảnh tuyển sinh cạnh tranh gay gắt.

Điểm mới năm nay là dựa trên các yêu cầu, quy định theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 6/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non, công tác tuyển sinh năm 2022, ĐH Huế sẽ xây dựng và ban hành quy chế tuyển sinh riêng dựa trên quy chế của Bộ GD&ĐT.

Cũng theo đại diện Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, năm nay khả năng sẽ không có thêm nhiều ngành mới. Tại Trường ĐH Y - Dược, dự kiến có thể mở thêm ngành Dinh dưỡng.

Tăng cường giải pháp, tạo thuận lợi cho thí sinh

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2023, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường các giải pháp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho cơ sở đào tạo, tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Trong đó, Bộ sẽ nâng cấp các chức năng của phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung, tăng cường tính năng kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm những sai sót.

Việc đăng ký xét tuyển sẽ thực hiện sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh đăng ký xét tuyển qua Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Các em vẫn được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường không hạn chế số lượng; sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Trong mọi trường hợp, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất.

Hiện nay, các đơn vị đào tạo ĐH tại Huế cũng xây dựng các phương án về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực, chủ động hỗ trợ thí sinh.

Đối với tuyển sinh năng khiếu, trên tinh thần ĐH Huế giao các đơn vị tự chủ về phương án, khả năng có thể tạo ra các phương án chủ động cho thí sinh. TS.KTS. Nguyễn Ngọc Tùng, Trưởng khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế cho hay, dự kiến có thể duy trì tổ chức thi năng khiếu ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam để vừa quảng bá hình ảnh, vừa thuận tiện cho thí sinh tại các địa phương.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC