Các nước bắt đầu tiến trình đàm phán kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+

Cuộc họp kéo dài 6 ngày tại Brisbane (Australia) sau cuộc họp cấp bộ trưởng với sự tham gia của lãnh đạo từ 14 nước thành viên của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), chiếm 40% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.

Các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào 4 trụ cột chính bao gồm thương mại công bằng, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch, thuế và chống tham nhũng. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã loại trừ các cuộc đàm phán cắt giảm thuế quan nhạy cảm về mặt chính trị, vốn là một phần của các hiệp định thương mại tự do.

Về trụ cột thương mại, các thành viên có kế hoạch đàm phán các cam kết trong những lĩnh vực như thuận lợi hóa thương mại, có thể được cải thiện thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hải quan và nông nghiệp, lĩnh vực có thể phải đối mặt với các hạn chế xuất khẩu phi lý.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trước cuộc họp rằng, thuận lợi hóa thương mại và nông nghiệp là một trong những lĩnh vực dường như có “sự đồng thuận thực sự”.

Được biết, IPEF đã được ra mắt trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Tokyo diễn ra hồi tháng 5. Các đối tác khác là Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Trong các cuộc họp cấp bộ trưởng trực tiếp đầu tiên được tổ chức tại Los Angeles vào tháng 9, các thành viên đã nhất trí bắt đầu tiến trình đàm phán chính thức.

Trong đó, IPEF là một phần trong nỗ lực của chính quyền Biden nhằm tái tương tác kinh tế với khu vực đang phát triển nhanh, sau khi người tiền nhiệm là Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định TPP vào năm 2017.

Vào tháng 10, Canada cho biết nước này sẽ tìm kiếm tư cách thành viên của IPEF, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch này của Canada.

Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)