Người dân vùng thấp trũng sử dụng bếp đun tiết kiệm năng lượng
Chúng tôi đến nhà bà Trịnh Thị Thảo ở thôn Giáp Đông, xã Hương Toàn, TX. Hương Trà, khi nước ngoài sân vẫn còn lúp xúp. "Vùng đất thấp, cứ mưa to là ngập lụt. Khổ nhất là muốn đem bếp củi lên phải bỏ bếp vào một cái chậu, rất bất tiện. Thế nên, khi được chi hội phụ nữ thông báo tặng bếp đun, tôi đăng ký ngay. Bếp ni nhỏ, gọn lại ôm lửa nên đi mô tui cũng đem đi theo được. Mưa gió quá thì mình cứ ủ than vào bếp rồi nấu, cũng cơm lành, canh ngọt hết", bà Thảo giải bày.
Như gia đình bà Thảo, bà Nguyễn Thị Kim Anh xã Quảng Phú (Quảng Điền) cũng chuyển hẳn từ đun bếp củi truyền thống sang bếp đun tiết kiệm năng lượng. “Từ khi sử dụng bếp này, tôi không phải canh lửa để thêm củi, không bị cay mắt vì khói. Ngày trước khi nấu cơm, đun siêu nước hay kho nồi cá mất hàng giờ, tốn nhiều củi, giờ đây tôi chỉ cần đặt vài thanh củi rồi đi làm việc khác, tiết kiệm nhiều thời gian và công sức”, bà Kim Anh nói.
Các hộ được tặng bếp đun tiết kiệm năng lượng đều khẳng định hiệu quả của các thiết bị này. Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Toàn cho biết, địa phương có trên 1.950 hội viên, phụ nữ; trong đó, có trên 1.600 chị được tặng bếp đun tiết kiệm năng lượng. Các hộ được tặng bếp đều rất phấn khởi vì tận dụng được nguồn nhiên liệu sẵn có, tiết kiệm chi phí và công sức.
Bà Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, ngay khi Thừa Thiên Huế được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chọn là 1 trong 30 tỉnh thực hiện chương trình, hội đã triển khai Chương trình tại 9 đơn vị huyện/thị/thành với số lượng cấp phát 40.000 bếp đun tiết kiệm năng lượng và 12.000 bình lọc nước. Ưu tiên các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các hộ có hội viên, phụ nữ đang sử dụng bếp đun củi truyền thống và các hộ khác có nhu cầu chuyển sang bếp tiết kiệm nhiên liệu; cũng như chưa được tiếp cận với nguồn nước uống an toàn và hợp vệ sinh.
Bếp tặng cho người dân trong đợt này là bếp Ecozen, nặng 2,5kg, tuổi thọ 10 năm, hiệu suất 38,44%. Đây là loại bếp được thiết kế tối ưu hóa để đốt các phế phẩm nông nghiệp, có ưu điểm nhiệt độ cao, dễ nhóm, ít khói, giảm lượng khí thải và tiết kiệm 50% nhiên liệu so với bếp kiềng thường dùng. Những chiếc bếp cải tiến đến với người dân nhằm tạo cơ hội cho các hội viên, phụ nữ tiếp cận với sản phẩm bếp đun tiết kiệm năng lượng. Qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn thông qua cơ chế giảm thiểu lượng phát thải carbon ra môi trường, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà.
Phụ nữ nghèo còn được trang bị bình lọc nước INTRACO sử dụng đơn giản và thân thiện với môi trường, có khả năng loại bỏ hoàn toàn 99,99% vi khuẩn. Nước uống tại vòi sau khi lọc đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người dùng. Qua đó, nâng cao sức khỏe cho phụ nữ, gia đình và cộng đồng, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Chương trình hướng tới mục tiêu hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các chương trình cải thiện điều kiện sống, tham gia bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động Xây dựng gia đình "5 không", "3 sạch" gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
“Có đến tận nơi thăm các hộ đã được tặng bếp đun tiết kiệm năng lượng và bình lọc nước mới thấy sản phẩm thiết thực thế nào với họ. Nhiều chị phấn khởi, nhờ sự quan tâm của các cấp hội nên họ đỡ vất vả hơn nhiều so với trước đó. Nghe họ chia sẻ, chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục triển khai chương trình sâu rộng hơn trong toàn tỉnh”, bà Hồng Thanh cho biết.
Bài, ảnh: An Nhiên