Dịch tả bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia. Ảnh minh họa: malawi24.com/TTXVN/Vietnam+
Theo đó, tổ chức WHO cho biết, tỷ lệ tử vong do tả trên toàn cầu đang gia tăng và có 30 quốc gia trên thế giới đã báo cáo dịch tả bùng phát trong năm nay, cao hơn khoảng 1/3 so với số liệu ghi nhận thông thường trong một năm.
Tiến sĩ Philippe Barboza, Trưởng nhóm nghiên cứu Dịch tả và Bệnh tiêu chảy của WHO cho biết: “Chúng tôi không còn vaccine nữa. Nhiều quốc gia đang tiếp tục yêu cầu phân phối loại vaccine này, song điều đó cực kỳ khó khăn”.
Thông thường, kho dữ trữ có khoảng 36 triệu liều/năm. Nhưng hiện nay, vì thiếu vaccine trầm trọng, WHO đã tạm thời đình chỉ chiến lược tiêm chủng hai liều tiêu chuẩn vào tháng 10.
Tiến sĩ Philippe Barboza cho biết, một phần của cuộc khủng hoảng là do quyết định của một nhà sản xuất Ấn Độ ngừng xuất khẩu vaccine. Hiện một nhà sản xuất khác ở Nam Phi đang lên kế hoạch bắt đầu sản xuất, song sẽ mất “vài năm”.
Theo ông, việc phát triển vaccine cho bệnh tả, về cơ bản là vaccine dành cho các nước nghèo, có lẽ kém hấp dẫn hơn nhiều so với việc phát triển vaccine COVID-19, hoạt động thu lợi nhuận cao hơn. Đây có thể là lý do dẫn đến tình trạng thiếu vaccine tả trầm trọng hiện nay.
Bệnh tả lây qua thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm và có thể gây tiêu chảy cấp tính. Nhiều người có các triệu chứng nhẹ, nhưng bệnh có thể gây tử vong trong vài giờ nếu không được điều trị.
Dù vậy, “Không thể chấp nhận được trong thế kỷ 21 mà vẫn có người tử vong vì một căn bệnh phổ biến và rất dễ điều trị”, Tiến sĩ Philippe Barboza nhấn mạnh.
Trong số các quốc gia bùng phát dịch bệnh, có những quốc gia bị ảnh hưởng bởi nghèo đói và xung đột như Haiti và Yemen. Tuy nhiên, căn bệnh này cũng được báo cáo hoành hành ở nhiều quốc gia khác như Lebanon, một nước mà cho đến gần đây vẫn được nhận định là quốc gia có thu nhập trung bình. Qua đây, giới chuyên gia khẳng định đây nên là “một hồi chuông cảnh báo” cho các nước khác.
Đan Lê (Lược dịch từ Reuters)