Dâng hoa, viếng hương tưởng nhớ 155 ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu tại lăng mộ của cụ trong khu di tích lưu niệm ở dốc Bến Ngự 

Lễ Kỷ niệm 155 ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu được Bảo tàng Lịch sử tỉnh tổ chức sáng 23/12 tại Khu di tích lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu (đường Phan Bội Châu, phường Trường An, TP. Huế).

Cụ Phan Bội Châu có tên khai sinh Phan Văn San, hiệu Sào Nam, cụ sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo ở làng Đan Nhiễm, nay thuộc xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Ngay từ nhỏ, khi chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, người thanh niên Phan Văn San đã sớm có lòng yêu nước. Sau nhiều năm hoạt động từ Bắc chí Nam, đến năm 1905, Phan Bội Châu xuất dương, bôn ba hoạt động ở Nhật Bản và Trung Quốc.

Nhiều tổ chức yêu nước đã được cụ Phan Bội Châu thành lập và lãnh đạo như Duy Tân hội, phong trào Đông Du, Việt Nam Quang Phục hội, hội Chấn Hoa Hưng Á…

Từ một tri thức phong kiến yêu nước, cụ Phan Bội Châu đã trở thành một nhà cách mạng dân chủ tư sản và bước vào ngưỡng cửa của cách mạng vô sản.

Sau nhiều năm hoạt động, đến năm 1925, cụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc) rồi đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) và bị kết án tù chung thân.

Trước áp lực phong trào đấu tranh của nhân dân trong cả nước, thực dân Pháp phải ân xá và đưa về giam lỏng tại Huế. Thời gian đầu ở Huế, cụ Phan Bội Châu sống ở nhà ông Nguyễn Bác Trác, sau chuyển về sống ở chùa Phổ Quang.

Đến năm 1926, thông qua tờ báo Chuông Rè của luật sư Phan Văn Trường xuất bản tại Sài Gòn đã mở một cuộc lạc quyên, kêu gọi đồng bào Nam Bộ giúp đỡ chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu trong lúc tuổi già.

Với số tiền quyên góp được, bạn bè cụ Phan đã trích ra một khoản để mua mảnh đất ở dốc Bến Ngự và dựng nhà cho cụ. Từ đó, cụ Phan Bội Châu được người dân Huế gọi bằng một cái tên thân thương: “Ông già Bến Ngự”.

Tin, ảnh: N. MINH