Đêm nhạc “Hạc vàng tung cánh về trên quê hương” được tổ chức mới đây, trước thềm Giáng sinh và năm mới 2023 không chỉ là dịp để những người bạn yêu thích có dịp thưởng thức những ca khúc một thời in dấu sâu sắc trong lòng người yêu nhạc của Cung Tiến, một nhạc sĩ nổi tiếng từ đầu thế kỷ 20, mà còn gợi nhớ về một nhà hát đặc biệt ở Huế mang tên Bến Xuân, 51 Văn Thánh.

Nhà hát Bến Xuân nằm ở bên trong nhà vườn Bến Xuân được biết là công trình của vợ chồng Việt kiều là ông Trương Đình Ngộ và bà Huyền Tôn Nữ Camille (nghệ danh là Camille Huyền). Sau hơn ba mươi năm định cư tại Thụy Sỹ, ông bà trở về quê hương và khởi công xây dựng Bến Xuân vào năm 2008 và hoàn thành sau gần 10 năm ròng rã xây dựng. Không phải là một di tích được tôn tạo, nhưng Bến Xuân xây mới vẫn được xem là công trình tiêu biểu của sự bảo tồn thích nghi. Bên ngoài là sự cổ kính với những giá trị nguyên gốc truyền thống Huế. Bên trong là sự tiện nghi, hiện đại và sang trọng. Mấy năm nay, Bến Xuân đã trở thành một điểm đến văn hóa và du lịch của Cố đô.

Bảo tồn thích nghi gần đây được nhắc đến như một hướng bảo tồn di sản. Khác với bảo tồn nguyên trạng, đề cao giá trị nguyên bản, bảo tồn thích nghi (hay có người gọi là bảo tồn phát triển) ghi nhận những giá trị đổi thay của di sản, theo hướng kế thừa và phát triển. Những người theo quan điểm bảo tồn thích nghi cho rằng nếu bảo tồn nguyên trạng cứng nhắc sẽ làm “đóng băng” di sản và về lâu dài dẫn đến sự xuống cấp, hủy hoại chúng. Lựa chọn cách thức bảo tồn thích nghi vừa gìn giữ được di sản, vừa tạo sức sống, sinh khí mới cho di sản, gắn di sản với hoạt động du lịch nhằm khai thác tiềm năng.

Công trình tiêu biểu ở Huế mới đây được tu bổ theo hướng bảo tồn thích nghi là Châu Hương viên. Di tích được công nhận di tích cấp tỉnh này gắn với ông hoàng Ưng Bình, nhà thơ Huế nổi tiếng và là người có công lớn đối với ca Huế. Công trình hoang tàn, xuống cấp nghiêm trọng, nhưng thực ra bên trong vẫn còn cơ hội cứu vãn. Bắt được “bệnh” của công trình, đơn vị tư vấn đặt ra các mục tiêu bảo tồn tối đa các yếu tố gốc và tu bổ thích nghi công trình với công năng mới. Cụ thể, bên cạnh thờ tự cụ Ưng Bình, có thể sử dụng một phần không gian di tích làm sân khấu cho các hoạt động biểu diễn ca Huế, tuồng Huế.

Di sản văn hóa Huế là một phức hợp di tích mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và cả giá trị về kinh tế bao gồm kiến trúc thành quách, hoàng cung, đền đài, lăng tẩm, đậm màu sắc dân tộc, tín ngưỡng phương Đông và phong cảnh tự nhiên... Khi nguyên vẹn, Quần thể di tích ở Huế có gần 1.500 công trình tập trung trong 19 khu di tích quan trọng. Tuy nhiên qua thời gian, biến động lịch sử và các cuộc chiến tranh hiện Huế chỉ còn lại vài trăm công trình di tích và hầu hết bị hư hỏng đòi hỏi phải trùng tu và bảo tồn.

Đã có được một Bến Xuân giàu sức sống, nhưng Châu Hương viên thì còn phải chờ xem. Đây đó vẫn còn những nhìn nhận khác nhau, nhưng việc lạm dụng bảo tồn thích nghi gây hậu quả hiện đại hóa di tích chưa thấy ở di tích Huế. Điều đáng nói là, nhiều công trình di tích kiến trúc ở Huế sau khi trùng tu đều trông mới mẻ hơn, nhưng vẫn giữ được hồn cốt xưa và nhanh chóng trở thành những địa chỉ văn hóa, điểm đến du lịch hấp dẫn.

ĐÌNH NAM