Khách tham quan trải nghiệm dịch vụ thực tế ảo XR

Năm 2022, sau thời gian khó khăn do đại dịch COVID-19, lượng khách tham quan Quần thể Di tích Cố đô Huế phục hồi khả quan. Tính đến nay, tổng lượng khách đến tham quan di tích Huế đạt trên 1,3 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế gần 225 nghìn lượt. Tổng doanh thu gần 196 tỷ đồng.

Song song với việc kiện toàn, sắp xếp bộ máy, trung tâm đã chủ động điều chỉnh nguồn nhân lực lao động, sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với tình hình thực tế.

Công tác chuyển đổi số được đẩy mạnh thông qua việc xây dựng ứng dụng di động di tích Huế phục vụ du khách; xây dựng hệ thống vé điện tử, hệ thống phòng lưu trữ tư liệu, tiến tới thực hiện lưu trữ tài liệu và số hóa toàn bộ dữ liệu, tài liệu từ hồ sơ giấy…

Cùng với việc tu bổ di tích, đơn vị tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể: Nhã nhạc, múa cung đình, tuồng cung đình…

Trong năm tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp tục phối hợp với UBND TP. Huế, các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu các phương án, giải pháp chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan và phát huy giá trị khu vực Thượng Thành, Eo Bầu thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế sau khi di dời dân cư, giải phóng mặt bằng; nghiên cứu xây dựng đề án phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế theo hướng tập trung, nâng cao đẳng cấp chất lượng, khai thác được các lợi thế, giá trị đặc thù của di sản.

Năm 2022, trung tâm nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.

Tin, ảnh: MINH HIỀN