Nền kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ chỉ tăng trưởng 1,7% trong năm 2023. Ảnh minh hoạ: Tapchitaichinh

Trên toàn cầu, tăng trưởng tiếp tục giảm mạnh do lạm phát và lãi suất tăng, trong khi đầu tư giảm và nguồn cung bị gián đoạn do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine.

WB cho biết bất kỳ diễn biến bất lợi mới nào - chẳng hạn như tỷ lệ lạm phát cao hơn dự kiến, lãi suất tăng đột ngột để kiềm chế lạm phát, sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 hoặc căng thẳng địa chính trị leo thang, cũng có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái. Nếu xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên sau hơn 80 năm có hai cuộc suy thoái toàn cầu xảy ra trong cùng một thập kỷ.

Nền kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng 1,7% trong năm nay và 2,7% vào năm 2024. Sự suy giảm tăng trưởng mạnh dự kiến sẽ lan rộng, với các dự báo cho năm 2023 được điều chỉnh giảm đối với 95% các nền kinh tế tiên tiến và gần 70% các thị trường mới nổi và đang phát triển.

Tỷ lệ nghèo tăng

Trong hai năm tới, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi được dự đoán ở mức trung bình 2,8%—thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mức trung bình của giai đoạn 2010-2019.

Ở châu Phi cận Sahara - nơi chiếm khoảng 60% số người nghèo cùng cực trên thế giới, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người trong giai đoạn 2023-2024 dự kiến chỉ ở mức trung bình 1,2% - tỷ lệ có thể khiến số phần trăm người nghèo tăng chứ không giảm.

Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết: “Cuộc khủng hoảng đối với sự phát triển đang gia tăng khi triển vọng tăng trưởng toàn cầu xấu đi…Các quốc gia mới nổi và đang phát triển đang phải đối mặt với giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài nhiều năm do gánh nặng nợ chồng chất và đầu tư yếu kém trong khi phải đối mặt với mức nợ chính phủ cực kỳ cao và lãi suất gia tăng. Điều này sẽ kết hợp với những “cơn gió ngược” vốn đã tàn khốc trong giáo dục, y tế, nghèo đói và những tác động ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu”.

Dự báo suy thoái toàn cầu

 

Báo cáo của WB dự báo rằng tốc độ tăng trưởng ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ chậm lại từ 2,5% trong năm 2022 xuống còn 0,5% vào năm 2023. Trong hai thập kỷ qua, sự suy giảm ở quy mô này là điềm báo cho một cuộc suy thoái toàn cầu.

Tại Mỹ, tăng trưởng được dự báo sẽ giảm xuống 0,5% trong năm nay - thấp hơn 1,9 điểm phần trăm so với các dự báo trước đó và là mưc tăng trưởng yếu nhất ngoài các cuộc suy thoái chính thức kể từ năm 1970.

Cùng thời điểm, tăng trưởng của khu vực đồng Euro dự kiến ở mức 0% - một sự điều chỉnh giảm 1,9 điểm phần trăm. Tại Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng năm 2023 được dự báo là 4,3%; thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Nếu không tính Trung Quốc, tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dự kiến sẽ giảm tốc từ 3,8% của năm 2022 xuống còn 2,7% vào năm 2023.

Đến cuối năm 2024, mức GDP ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ thấp hơn khoảng 6% so với mức dự kiến được đưa ra trước đại dịch. Mặc dù lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ ở mức vừa phải, nhưng sẽ vẫn ở trên mức trước đại dịch.

Báo cáo mới này của WB cũng đưa ra đánh giá toàn diện đầu tiên về triển vọng trung hạn đối với tăng trưởng đầu tư tại các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi. Trong giai đoạn 2022-2024, tổng đầu tư vào các nền kinh tế này có khả năng tăng trung bình khoảng 3,5% - thấp hơn 50% so với tốc độ phổ biến trong hai thập kỷ trước. 

“Đầu tư chững lại là một mối lo ngại nghiêm trọng vì nó có liên quan đến năng suất và thương mại yếu kém, đồng thời làm giảm triển vọng kinh tế nói chung”, ông Ayhan Kose, Giám đốc Nhóm Triển vọng của WB cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng nếu không có tăng trưởng đầu tư mạnh mẽ và bền vững thì đơn giản là không thể có được những tiến bộ ý nghĩa nhằm đạt được các mục tiêu phát triển rộng lớn hơn và liên quan đến khí hậu.

Các nước nhỏ suy thoái nghiêm trọng hơn

Báo cáo cũng cho thấy tình thế khó khăn của 37 nước nhỏ - những quốc gia có dân số từ 1,5 triệu người trở xuống. Các nước này bị suy thoái  nghiêm trọng hơn vì COVID-19 và khả năng phục hồi yếu hơn nhiều so với các nền kinh tế khác, một phần là do hoạt động du lịch bị gián đoạn kéo dài. Vào năm 2020, sản lượng kinh tế ở các quốc gia nhỏ đã giảm hơn 11% - gấp 7 lần mức giảm ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác. Theo WB, các nước này thường phải chịu tổn thất liên quan đến thiên tai, trung bình khoảng 5% GDP/năm, gây ra những trở ngại nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế.

Trong tình hình đó, các nhà hoạch định chính sách ở các nước này có thể cải thiện triển vọng tăng trưởng dài hạn bằng cách tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu, thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế và nâng cao hiệu quả của chính phủ. Báo cáo cũng kêu gọi cộng đồng toàn cầu hỗ trợ các quốc gia nhỏ bằng cách duy trì dòng hỗ trợ chính thức để hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu và giúp khôi phục tính bền vững của nợ.

Tố Quyên (Lược dịch từ UN & WB)