Người dân mua sắm lương thực trong một siêu thị ở thành phố Milan, Italy. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo đó, WEF dự báo một thời kỳ “đa khủng hoảng” trong những tháng tới, được đánh dấu bởi cạnh tranh kinh tế, cạnh tranh tài nguyên, sự kết thúc của kỷ nguyên lãi suất thấp, phi toàn cầu hóa, thời kỳ đầu tư và tăng trưởng thấp, cùng những thách thức khác.

Cũng theo tổ chức này, thế giới sẽ phải đối phó với áp lực ngày càng tăng của các tác động từ biến đổi khí hậu, và cơ hội ngày càng thu hẹp để giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức không quá 1,5 độ C bằng cách cắt giảm lượng khí thải để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

WEF cho rằng: “Những thách thức này đang cùng định hình nên một thập kỷ đầy biến động và không chắc chắn sắp tới”.

Chia sẻ về những phát hiện chính của báo cáo nói trên tại một cuộc họp báo ở thủ đô London (Vương quốc Anh), Giám đốc Điều hành WEF Saadia Zahidi cho biết thêm: “Bối cảnh rủi ro ngắn hạn được chi phối bởi năng lượng, lương thực, nợ và các thảm họa”.

Những người vốn đã dễ bị tổn thương nhất đang phải gánh chịu rủi ro, và khi đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, số lượng những người được xem là dễ bị tổn thương cũng đang gia tăng nhanh chóng, ở cả các nước nghèo lẫn nước giàu, bà Saadia Zahidi nhấn mạnh.

Qua đó, Giám đốc Điều hành WEF lưu ý: “Hợp tác là con đường duy nhất ở phía trước”.

Được biết, “Hợp tác trong một thế giới phân mảnh” là chủ đề của Hội nghị thường niên WEF năm 2023, dự kiến được tổ chức từ ngày 16 - 20/1 tới đây.

Báo cáo nói trên cho rằng, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt là rủi ro toàn cầu nghiêm trọng nhất trong 2 năm tới, và sẽ đạt đỉnh trong ngắn hạn. Cũng theo WEF, sự tắc nghẽn nguồn cung do đại dịch COVID-19 gây ra, cạnh tranh kinh tế, sự tính toán sai lầm giữa các chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các cú sốc thanh khoản, báo hiệu một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài hơn và tình trạng nợ nần trên quy mô toàn cầu.

Báo cáo dựa trên một cuộc khảo sát với hơn 1.200 chuyên gia từ các học viện, doanh nghiệp, Chính phủ, cộng đồng quốc tế và xã hội dân sự.

Trong một nhận định liên quan, bà Carolina Klint, Giám đốc phụ trách Quản lý rủi ro của Công ty chiến lược rủi ro Marsh McLennan tại khu vực châu Âu, một đối tác của WEF trong việc thực hiện báo cáo này cho hay, năm 2023 sẽ được đánh dấu bằng sự gián đoạn hơn nữa đối với các chuỗi cung ứng, và tác động đến các quyết định đầu tư.

“Vào thời điểm mà các quốc gia và tổ chức cần tăng cường nỗ lực phục hồi, thì những cơn gió ngược về kinh tế sẽ hạn chế khả năng của họ trong việc thực hiện điều đó”, bà Carolina Klint nói tại cuộc họp báo.

Đáng chú ý, dự báo của WEF được đưa ra chỉ vài tuần sau khi báo cáo Chi phí sinh hoạt toàn cầu năm 2022 của Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) cho biết, giá cả tại các thành phố lớn nhất trên thế giới đã tăng trung bình 8,1% tính theo nội tệ trong năm vừa qua. Đây là tốc độ nhanh nhất trong ít nhất 20 năm. Trong đó, New York (Mỹ) đã lần đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng về chi phí sinh hoạt toàn cầu của EIU, và đồng hạng với Singapore.

Lê Thảo (Lược dịch từ The Straits Times)