Một trạm bơm khí đốt ở thị trấn Ihtiman, tỉnh Sofia, Bulgaria. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo đó, thế giới sẽ cần khí đốt tự nhiên trong một thời gian dài, và cần đầu tư nhiều hơn để đảm bảo an ninh nguồn cung, cũng như giá cả phải chăng trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh nói trên, ông Saad al-Kaabi, Bộ trưởng Năng lượng Qatar cho rằng, một mùa Đông ấm áp hơn ở khu vực châu Âu đã khiến giá năng lượng sụt giảm; song, sự biến động đó sẽ vẫn còn tồn tại "trong thời gian tới", do không có nhiều khí đốt được đưa vào thị trường cho đến năm 2025.

Bộ trưởng Saad al-Kaabi lưu ý: “Vấn đề là điều gì sẽ xảy ra khi khu vực này muốn bổ sung kho dự trữ của mình trong năm nay và năm sau”.

Được biết, Qatar là một trong những nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới. Trong khi đó, UAE là một nhà sản xuất dầu mỏ thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), quốc gia này đang tăng cường sự tập trung vào thị trường khí đốt.

Cũng trong Hội nghị thượng đỉnh tại Abu Dhabi, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail al-Mazrouei nhất trí: “Trong một thời gian rất dài, khí đốt vẫn sẽ hiện hữu”; đồng thời khẳng định, trong khi công suất năng lượng tái tạo lớn hơn sẽ được lắp đặt, cũng cần phải đầu tư nhiều hơn vào khí đốt.

“Cả thế giới cần nghĩ đến các nguồn tài nguyên và cách để cho phép các công ty sản xuất nhiều khí đốt hơn, nhằm giúp nguồn cung khí đốt trở nên có sẵn, và có giá cả phải chăng”, Bộ trưởng Năng lượng UAE nhấn mạnh.

Ông Suhail al-Mazrouei cũng cho rằng, chiến lược "không rõ ràng" của nhiều quốc gia khiến họ khó thực hiện cam kết với các hợp đồng khí đốt dài hạn, từ đó khiến các công ty năng lượng gặp khó khăn trong việc đảm bảo tài chính để đầu tư vào phát triển năng lực sản xuất.

Thanh Ngân (Lược dịch từ The Edge Markets & Reuters)