“Về quê, về ăn tết với cha mẹ. Đây là điều thực sự may mắn và ấm áp nhất trong dịp tết”. Chị phụ nữ nãy giờ ngồi trên chiếc ghế đá, nhìn những đường ray trầm tư dưới ánh đèn vàng, bất giác mỉm cười. Vài người khác cũng góp chuyện, mỗi lúc một hào hứng. Câu chuyện trở về quê hương “ăn” một cái tết đoàn tụ đã khiến những con người trên sân ga, mấy phút trước vẫn còn hoàn toàn xa lạ bỗng trở nên mở lòng, gần gũi nhau hơn.
Một gia đình về quê ăn tết chờ chuyến tàu muộn
Chị chủ quầy hàng tạp hóa (bây giờ tôi đã biết chị tên Hoa) xởi lởi mời mọi người cứ sử dụng mấy chiếc ghế nhựa của hàng chị, ngồi cho thoải mái. “Cứ ngồi đi, không cần phải áy náy, mua thứ này thứ kia mô”.
Cũng như những hàng tạp hóa khác, gian hàng của chị Hoa bán đủ thứ, từ các loại bánh kẹo, nước ngọt, đồ lưu niệm, đồ chơi cho trẻ con, áo quần, cơm hộp, xôi, trứng, bắp luộc… phục vụ khách mỗi khi có chuyến tàu ngược Bắc xuôi Nam.
Chị Hoa kể, khách vào Nam hay ra Bắc đều thích mua kẹo mè xửng, tôm chua và dầu tràm. Đây là 3 mặt hàng các chị bán chạy nhất. Thực ra bây giờ trên những chuyến tàu bắc nam, “người nhà tàu” cũng phục vụ đầy đủ các mặt hàng này. Nhưng nhiều khách vẫn muốn mua tại đây, bởi sự tín nhiệm về chất lượng. Các chị lấy mè xửng, tôm chua tại các lò ngon nhất Huế, lấy dầu tràm tại địa chỉ uy tín. Điều khiến chị Hoa vui nhất, đó là có những người trở thành khách quen. Chuyến nào ngang qua ga Huế, trong ít phút ngắn ngủi tàu đỗ lại tiễn đón khách, đều tìm đến đúng quầy hàng của chị để mua, lại còn nhắc kỷ niệm.
Phục vụ hàng ăn uống cho khách chờ tàu khuya
Những quầy hàng tạp hóa chủ yếu phục vụ những chuyến tàu ban ngày cho đến tầm 23 giờ.
“Những chuyến nửa đêm về sáng như thế này, ít người thức để “theo”. Như tui chẳng hạn, vì giữ gìn sức khỏe-chị Hoa bộc bạch. Để phục vụ nhu cầu rất lớn của hành khách trong dịp tết, ngành đường sắt tăng cường thêm rất nhiều chuyến tàu, trong đó có những chuyến tàu đêm. Những người bán hàng trên sân ga cũng “tăng cường” tần suất thức đợi các chuyến tàu.
Nhiều “đồng nghiệp” của chị Hoa cũng vui vẻ “nhập cuộc”, cùng chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình. Các chị nói rằng, nhiều hành khách từ miền Nam ra, xuống ga Huế, trong lỉnh kỉnh đồ đạc, thứ họ nâng niu nhất là cành mai hé nụ vàng như nắng ấm. Có thể họ là công nhân tại các khu công nghiệp “trong đó”, cả năm chăm chỉ lao động, dành dụm dịp tết mới về với cha mẹ, gia đình. Ngoài bánh trái vật chất, họ không quên món quà tinh thần, mang hương vị tết.
“Dù ai no đói, thiếu đủ mặc lòng, nhìn cảnh đó là cảm giác cái tết bình yên, vui vẻ rồi”- người phụ nữ từng là nhân viên ngành đường sắt nay đã nghỉ hưu, tiếp tục làm nghề bán hàng trên sân ga, từng phục vụ trên những chuyến tàu ngày 30, mùng 1 tết, bồi hồi.
Chị Hoa nhớ lại, đặc biệt, những chuyến tàu ngày mùng 1 tết, nhân viên coi hành khách giống như người nhà. Các anh chị nhân viên, vì thực hiện nhiệm vụ, công việc mà vẫn “rong ruổi’ trên tàu; hành khách, có lẽ hoàn cảnh đặc biệt, mới trở về vào ngày đầu năm mới. Vậy nên, mời nhau chén rượu nồng, lát mứt gừng ấm cùng những lời chúc tốt đẹp. Điều đó trở thành kỷ niệm đẹp đẽ trong đời người.
Những nụ cười cứ tươi mãi theo câu chuyện cho đến lúc chuyến tàu vào ga. Khách vội vã chào nhau, tạm biệt người bán hàng, để lên tàu.
Khi tàu bắt đầu chuyển bánh rời ga, những hồi còi ngân vang. Trong xao xuyến, có niềm vui người mang theo về quê nhà sum vầy ngày tết.
Bài, ảnh: QUỲNH ANH