Một cơ sở lọc dầu tại Iran. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Cụ thể, giá dầu được dự báo sẽ phục hồi trong bối cảnh nhu cầu của Trung Quốc phục hồi sau khi các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ, và tình trạng thiếu hụt đầu tư sẽ gây hạn chế đối với sự tăng trưởng của nguồn cung dầu mỏ.
Trước đó vào năm 2022, giá dầu đã lần đầu tiên tăng vọt lên trên mức 100 USD/thùng kể từ năm 2014, khi nhu cầu phục hồi sau các đợt phong tỏa do COVID-19 ở nhiều nơi trên thế giới, và cuộc xung đột tại Ukraine làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung dầu mỏ. Tuy nhiên, giá dầu thô Brent đã kết thúc năm 2022 ở mức gần 86 USD/thùng do những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Việc giá dầu quay trở lại mức trên 100 USD/thùng trong một thời gian dài sẽ mang lại nhiều doanh thu hơn cho các thành viên OPEC, những quốc gia có nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào thu nhập từ dầu mỏ.
Được biết, nhằm hỗ trợ thị trường, OPEC cùng các nước đối tác, còn gọi là OPEC+ hồi tháng 10 năm ngoái đã nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2% nhu cầu của thế giới.
Trong một động thái liên quan, đại diện của Iran tại OPEC, ông Afshin Javan nhận định, giá dầu có thể sẽ tăng trở lại khoảng 100 USD/thùng trong nửa cuối năm nay; đồng thời lưu ý thêm, OPEC+ có thể sẽ tiếp tục giữ nguyên chính sách sản lượng hiện tại trong cuộc họp tiếp theo.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Reuters & The Edge Markets)