Bệnh nhân nhiễm virus Marburg đang được nhân viên y tế chăm sóc. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Lời kêu gọi được Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra trong bối cảnh các đợt bùng phát virus Marburg và bệnh đậu mùa khỉ, hơn 10.000 ca tử vong do COVID-19 vẫn được báo cáo hàng tuần, và phản ứng khẩn cấp đang diễn ra đối với trận động đất nghiêm trọng tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

“Những điều kiện hiện tại cùng chỉ ra nhu cầu cấp thiết đối với tất cả các quốc gia trong việc xây dựng các hệ thống y tế”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói thêm; đồng thời khẳng định, điều này có thể giúp xử lý thành công những trường hợp y tế khẩn cấp như vậy.

Đối với mối đe dọa của virus Marburg, người đứng đầu WHO cho rằng, để giải quyết đợt bùng phát gần đây ở Guinea Xích đạo, WHO đang làm việc với các cơ quan chức năng để chuẩn bị cho công tác phát hiện nhanh chóng bất kỳ trường hợp nghi nhiễm Marburg nào, một loại virus hiếm gặp giống virus Ebola và có tỷ lệ tử vong lên tới 88%.

Cho đến nay, 9 trường hợp tử vong đã được báo cáo, và hiện chưa có trường hợp nhiễm bệnh nào được xác nhận ở các quốc gia láng giềng Cameroon và Gabon. Theo ông Abdi Mahamud, một quan chức của WHO, những bài học được rút ra từ đại dịch COVID-19 đã được thực hiện trong những nỗ lực hiện tại, nhằm tăng cường nỗ lực giám sát tại các quốc gia lân cận.

Trong khi đó, đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ, WHO công nhận những nỗ lực không ngừng, và số ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, hơn 30 quốc gia hiện đang báo cáo các ca bệnh; đồng thời khẳng định: “Dịch bệnh vẫn là một trường hợp khẩn cấp công cộng trên quy mô toàn cầu”.

Ngoài ra, lo ngại vẫn tồn tại về việc báo cáo không đầy đủ, đặc biệt là ở các quốc gia nơi những trường hợp nhiễm bệnh trước đó đã được báo cáo. Qua đó, người đứng đầu WHO lên tiếng kêu gọi tất cả các quốc gia duy trì nỗ lực giám sát.

Được biết, các đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ đã ảnh hưởng đến 110 quốc gia, với báo cáo về hơn 80.000 trường hợp nhiễm bệnh và 55 trường hợp tử vong.

Tiếp đó, tuy các báo cáo về số ca nhập viện và tử vong liên quan đến đại dịch COVID-19 đã giảm, vẫn có 10.000 ca tử vong được báo cáo hàng tuần trên toàn thế giới. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “10.000 ca tử vong là quá nhiều đối với một căn bệnh có thể ngăn ngừa được".

Các biến thể phụ của biến thể Omicron cũng tiếp tục là một nguyên nhân gây lo ngại, dựa trên khả năng lây nhiễm và sự nguy hiểm gia tăng của những biến thể phụ này.

Với hàng triệu người đã tử vong và bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Tổng Giám đốc WHO cho rằng, việc tìm ra nguồn gốc của đại dịch chắc chắn đóng vai trò rất quan trọng, vì những lý do khoa học và đạo đức, nhằm ngăn chặn đợt bùng phát dịch bệnh tiếp theo.

Đáng chú ý, nguồn gốc của COVID-19, Ebola, Marburg và các dịch bệnh khác vẫn chưa được biết đến, nhưng các cuộc điều tra liên quan đang được tiến hành.

Lê Thảo (Lược dịch từ UN News)