Âu cũng là cái duyên, rời đi rồi trở lại với Kim Long, ấu thơ của tôi có những ký ức vườn lung linh. Hầu như nhà vườn Kim Long nào cũng có vài cây dâu da trồng trước ngõ hoặc sau vườn. Lúc trái còn non, múi mới tựa bé bằng hạt gạo, lũ trẻ con đã vạch hàng rào vặt một nạm về xóc muối ớt. Chả ngon lành chi lắm nhưng cứ thích như thế để ngồi nhâm nhi thưởng thức vị mặn, chua, cay, hít hà… của cả đám mong cho mau qua khỏi giờ ngủ trưa. Lắm lúc vì mấy trái dâu non mà rách quần, tét da, chảy máu. Lũ chúng tôi trộm dâu… có nghề nên nhìn nước da quả dâu biết ngay chua, ngọt. Đột nhập vào vườn rộng, có đứa còn ta đây ngó nghiêng từng cây, nếm từng loại trái, so sánh rồi chọn cây ngon… mà “bợ”! Trong các loại dâu ở vườn Kim Long, ngon nhứt là dâu tiên, quả xanh thuôn thuôn, cuống dài thõng xuống, nhiều khi là dâu một (múi), khi chín trái chuyển sang màu vàng nhạt có bớt son, ăn vô miệng thơm ngọt. Lũ trẻ trộm dâu chăm chăm dâu tiên đến nỗi nhiều năm liền, có chủ vườn không kịp hái ăn, toàn bị phỗng tay trên. Chủ nhà lấy chuôm nè rào lại cũng mất, canh buổi ngày thì mất buổi đêm, ăn xong thủ phạm còn đổ vỏ lại hiện trường như thách thức! Nghĩ lại đúng là phá như quỷ sứ!

Lớn lên, đi nhiều nơi trên đất Huế, tôi còn biết thêm giống dâu Lái Thiêu 55 năm tuổi ở nhà vườn Giáng Châu (Hương Long) quả to vàng mọng chua chua ngòn ngọt, dâu Truồi (Phú Lộc) nổi tiếng trong câu ca dao “Xứ Truồi ngọt mít thơm dâu, anh đi làm rể ở lâu không về”, rồi cả giống dâu búng kêu lách tách gắn với một thời học trò giờ đã vắng bóng. Mấy năm trước ghé Phủ Công chúa Ngọc Sơn, tôi mới có dịp chiêm ngưỡng tận mắt cây dâu Truồi mảnh khảnh nằm cạnh hòn non bộ trái chín lúc lỉu. Nghe đâu cây có tuổi đời khá lớn và được nhà nghiên cứu Phan Thuận An chăm bón kỹ lưỡng mới sống bền bỉ đến thế. Một lần về Phú Lộc, lại nghe người quen kể nghe đâu còn vài nhà đang bảo tồn giống dâu búng, tôi mừng quá hẹn tìm gặp nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra…

Hôm rồi ra chợ, thấy người ta đã bán dâu da vườn. Vừa mua vừa trò chuyện mới biết năm ni dâu được mùa, nắng to nên quả chín sớm chứ thường phải đến tháng 7, tháng 8 âm lịch mới thu hoạch. Chị bán hàng là dân buôn góp từ các nhà vườn nhiều năm quảng cáo: “Ăn đi bầu, ăn cho đã rồi sinh con! Trái cây sạch, nhiều vitamin C và chất xơ nên rất có lợi cho sức khỏe”! Chưa kịp khen sự khéo miệng thì đã nghe tiếng gọi với từ hàng rau: “P ơi, mai mi qua vườn dì hái dâu đi bán, bọn con nít hắn vặt mất nửa cây rồi”! Tôi ngừng lựa dâu, giật mình cười thầm: Thời ni vẫn còn mấy đứa con nít trộm dâu! Đúng là “oan gia” nhà vườn!

L.Tuệ