Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ cùng các đại biểu tham quan phòng học STEM vừa được chuyển giao |
Tại đây, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế đã thực hiện bàn giao phòng học STEM nhằm tăng cường cơ sở vật chất góp phần đáp ứng nhu cầu dạy và học và nghiên cứu của giáo viên, học sinh nhà trường. Nhiều hoạt động để các em học sinh trải nghiệm như lập trình robot, lập trình microbit, điều khiển rô bốt… với sự hướng dẫn và giảng dạy trực tiếp của cán bộ, sinh viên Khoa Kỹ thuật và Công nghệ cũng đã diễn ra ngay sau khi công tác bàn giao phòng học thực hành hoàn tất.
Chương trình chuyển giao phòng học STEM và đào tạo lập trình cho học sinh THPT là một dự án giáo dục lớn của Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục STEM - mô hình giáo dục dạy học sinh kiến thức, kỹ năng về các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán nay đang trở thành một trong những trọng tâm của chương trình giáo dục phổ thông mới. Thông qua việc đào tạo lập trình, các học sinh sẽ được khơi dậy đam mê về khoa học, kỹ thuật và công nghệ, góp phần định hướng tốt về nghề nghiệp sau khi các em tốt nghiệp THPT. Khoa Kỹ thuật và Công nghệ sẽ tiếp tục thực hiện dự án tại một số đơn vị trường THPT khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và dự định mở rộng phạm vi áp dụng mô hình dạy lập trình này tới các tỉnh thành miền Trung trong tương lai.
Lãnh đạo tỉnh cùng đại diện Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế trao học bổng cho học sinh |
Dịp này, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế và Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động kết nối, chuyển giao tri thức, phục vụ công tác định hướng nghề nghiệp tới học sinh phổ thông. Khoa Kỹ thuật và Công nghệ cũng trao 10 suất học bổng trao đến các học sinh của trường, mỗi suất trị giá 300.000 đồng.
Phát biểu tại chương trình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ ghi nhận và đánh giá cao mô hình gắn kết giữa đơn vị đào tạo ĐH và trường THPT trong hoạt động giáo dục STEM nói riêng, định hướng nghề nghiệp và các hoạt động giáo dục đào tạo nói chung. Mong muốn trong thời gian tới, mô hình gắn kết giữa các đơn vị đào tạo ĐH và các trường THPT sẽ phát huy tính hiệu quả và được nhân rộng, góp phần hướng nghiệp cho học sinh, thúc đẩy hiệu quả trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà.