Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ giúp phát triển nhà ở xã hội (ảnh minh họa). Ảnh: Nguyễn Phong |
Về phát triển nhà ở xã hội, trước đây Chính phủ cũng đã từng triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Gói này thực hiện bắt đầu cách đây 10 năm đã đưa lại những tác dụng tốt trong việc tạo điều kiện về nhà ở cho người dân và thúc đẩy các dự án BĐS.
Qua những động thái tìm cách tháo gỡ khó khăn cho ngành BĐS, từ Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, các địa phương cho thấy gói hỗ trợ này có khả năng thông qua là rất lớn (số vốn cụ thể chưa biết là như thế nào, tức là có phải 120.000 tỷ đồng như Ngân hàng Nhà nước đề xuất). Động thái này cũng cho thấy, Nhà nước không phải “cứu” thị trường BĐS chung chung mà có lựa chọn. Tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ. Cũng là một cách “nắn dòng” BĐS đi đúng hướng, phục vụ nhu cầu thiết thân cho xã hội và đời sống của người dân. Những dự án BĐS cao cấp, phục vụ cho những nhà đầu tư, đầu cơ, khó khăn thì phải tự xử lý.
Trong bối cảnh u ám của thị trường BĐS, bất cứ một cú mồi nào về tín dụng cũng đều là một sự kích thích cho thị trường, ít nhất là đỡ ảm đạm. Biết đâu, từ đây nó sẽ có tác động lan tỏa. Khi nguồn cung nhà ở với giá phù hợp đưa ra thị trường càng nhiều thì buộc các phân khúc khác phải điều chỉnh theo cho phù hợp. Kinh nghiệm những cuộc khủng hoảng BĐS trước đây, việc tái cơ cấu của các công ty BĐS đang rơi vào tình trạng khó khăn không phải là chuyện dễ dàng và nó tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc nhưng là việc buộc phải làm, nếu muốn tồn tại.
Theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, gói hỗ trợ này sẽ thấp hơn lãi suất ngân hàng trên thị trường từ 1,5 -2%, tùy theo thời kỳ. Theo đề xuất của Bộ Xây dựng thì dành 50% cho chủ đầu tư và 50% cho người vay.
Chúng ta có thể thấy, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội trước đây được thực hiện từ năm 2013 -2016. Khi nó kết thúc, chương trình này không được thực hiện tiếp theo. Không tiếp tục thực hiện không có nghĩa là nhu cầu nhà ở xã hội không còn, không lớn mà có lẽ vì một lý do nào đó!? Cũng có thể giai đoạn năm 2010, BĐS cũng rơi vào giai đoạn khó khăn, cần một gói tín dụng để kích thích. Phải chăng gói 30.000 tỷ đồng nêu trên là vừa để giải quyết nhu cầu nhà ở và nhu cầu về vốn cho thị trường BĐS? Rất có thể là lý do như vậy. Nhìn vào gói đề xuất 120.000 tỷ đồng hiện nay chúng ta thấy cũng có mấy điều kiện tương tự như vậy – dòng tiền cho BĐS khó khăn, thị trường BĐS ảm đạm; nhu cầu nhà ở xã hội lớn.
Vui là khả năng có gói tín dụng cho thị trường BĐS. Nhưng để gói này được thực hiện thì cũng cần một thời gian (có thể cả năm trời) chứ không phải triển khai ngay được. Thị trường BĐS khó khăn là từ quý II/2022. Nhiều tiếng kêu gọi hỗ trợ, nhiều cuộc bàn bạc về giải pháp và đến nay, về thời gian là gần một năm trời nhưng chúng ta thấy chỉ mới đi đến giai đoạn đề xuất gói hỗ trợ. Nêu vấn đề để thấy, chuyện tiền bạc không phải nói là làm được ngay. Rồi giả sử như đã thống nhất chủ trương triển khai rồi, việc tiếp cận được nguồn vốn cũng cần những điều kiện nhất định. Thường những quy định về thủ tục, điều kiện kéo dài thời gian.
Điều kiện thứ hai có thể làm cho gói hỗ trợ nêu trên không triển khai nhanh được là về mặt bằng tín dụng. Hiện mặt bằng tín dụng đang cao. Nói giảm 1,5 -2% là lớn nhưng quả thật, các dự án nói trên cung cấp cho đúng đối tượng là người thu nhập thấp, công nhân thì cũng không dễ gì họ kham nổi với mức tín dụng cao (chừng trên dưới 10%). Trong lúc tín dụng cao, liệu có nhà đầu tư nào nhận thực hiện!? Tín dụng có thể không tăng cao hơn nữa vì các chính sách kiềm chế lạm phát, nhưng vay tín dụng vào thời điểm này là có rủi ro, nếu không muốn nói là rủi ro cao, bởi chưa biết lãi suất sẽ đi như thế nào. Có thể chính yếu tố này là cho chính chủ đầu tư và người muốn mua nhà chần chừ. Mà điều này cũng phù hợp với thực tế, khi tình hình kinh tế khó khăn thì cũng kéo theo việc đắn đo trong tiêu dùng, đặc biệt là những món hàng nhiều tiền, áp lực tài chính lớn.
Nói tóm lại, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nếu được thực hiện thì tác dụng “cứu vãn thị trường” không đến ngay tức thì mà có thể cần một thời gian dài trong tương lai, không thể khẳng định là thời gian bao lâu.