Đại diện thôn Chênh Vênh (Quảng Trị) trình bày phương pháp sản xuất than sinh học từ tre |
Giải thưởng này được trao cho Công ty TNHH SX-TM Liên Minh Xanh (Thừa Thiên Huế), Công ty TNHH Pun Coffee và Ban Quản lý Rừng Cộng đồng thôn Chênh Vênh (Quảng Trị) khi đã tham gia vào chuỗi giá trị nông lâm nghiệp bền vững, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Giải thưởng này nằm trong khuôn khổ diễn đàn đa bên 2023: “Phát triển kinh doanh bền vững qua kết nối tốt hơn với chuỗi giá trị” do WWF-Việt Nam cùng đối tác phối hợp tổ chức. Giải thưởng nhằm khuyến khích hợp tác và liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp, thúc đẩy và nhân rộng các mô hình kinh doanh thuận thiên hiệu quả tại khu vực Trung Trường Sơn.
Liên kết sản xuất trong nông lâm nghiệp theo hướng xây dựng chuỗi giá trị được xem là hướng đi đúng, bởi không chỉ giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững mà còn tạo điều kiện cho các DN huy động được nguồn tư liệu sản xuất, nhất là về nhân lực và đất đai. Tuy nhiên, việc phát triển NLSNG hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn mang tính tự phát, thiếu tính liên kết bền vững. Xây dựng chuỗi liên kết giá trị giữa các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ là xu hướng tất yếu cần được thúc đẩy nhằm phát huy tối đa tiềm năng và tạo ra vùng sản xuất hàng hóa ổn định.
Các DN nhỏ đóng một vai trò không hề nhỏ trong đảm bảo sinh kế cho cộng đồng, đồng thời góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông lâm kết hợp, lâm nghiệp và lâm sản ngoài gỗ cần được thúc đẩy và nhân rộng các mô hình kinh doanh hiệu quả có tác động tích cực đến vùng cảnh quan Trung Trường Sơn.
Theo đại diện Công ty TNHH SX-TM Liên Minh Xanh, chiến lược hoạt động của đơn vị là phát triển các chuỗi giá trị dược liệu ở khu vực Trung Trường Sơn. Để khuyến khích các cộng đồng mạnh dạn đầu tư phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, công ty đã thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Mục tiêu mà Liên Minh Xanh hướng tới là tạo ra các sản phẩm tinh dầu có chất lượng cao, chứa đựng những giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng của vùng núi Trường Sơn. Không chỉ hỗ trợ kỹ thuật cho các cộng đồng từ khâu làm giống, trồng, chăm sóc và khai thác bền vững, công ty còn thu mua nguyên liệu để người dân yên tâm sản xuất.
Ngoài giá trị kinh tế, việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng còn góp phần làm tăng tính đa dạng sinh học và bảo vệ rừng hiệu quả hơn khi việc trồng cây giúp đa dạng tầng tán ở rừng tự nhiên. Ngoài ra, mô hình này còn tạo động lực cho người dân thường xuyên đi rừng kết hợp tuần tra bảo vệ rừng.
Với khoản tài trợ nhỏ từ giải thưởng tại diễn đàn đa bên, các DN nhỏ và cộng đồng sẽ có thêm kinh phí đầu tư phát triển kinh doanh của mình. “WWF sẽ tiếp tục đồng hành cùng các mô hình kinh doanh thuận thiên với vai trò hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực cũng như huy động sự tham gia của các bên liên quan và thúc đẩy các cơ hội hợp tác, tạo điều kiện cho các mô hình kinh doanh hiệu quả song song với nỗ lực bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của Trung Trường Sơn”, ông Tôn Thất Minh Khánh, Quản lý dự án Quỹ Phục hồi Vùng Cảnh quan - LRF, WWF-Việt Nam chia sẻ.