leftcenterrightdel
 Chương trình giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu của dòng thơ thiền Việt Nam

Thiền thi là dòng thơ thể hiện ý vị thiền học gắn với cảm xúc, truyền nhận sự cảm nhận thế giới của thiền học, bộc lộ được vẻ đẹp của thế giới thiên nhiên, của tâm hồn trong mối tương hợp giữa khách thể và chủ thể sáng tạo.

Các tác phẩm thi kệ của các thiền sư được xem là nền tảng ban đầu của dòng văn học viết Việt Nam. Đại biểu cho các thi phẩm thơ thiền ấy phải kể đến các thiền sư thời Lý - Trần, như: Thiền sư Vạn Hạnh, thiền sư Mãn Giác, Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông, thiền sư nhị tổ Pháp Loa, Tam tổ Huyền Quang… cùng nhiều thế hệ tiếp nối đã viết lên những tác phẩm để đời cho hậu thế.

Với vẻ đẹp trong những áng thơ thiền viên dung giữa đời và đạo, tác phẩm của các thiền sư đã góp tiếng nói chung vào dòng chảy không ngừng nghỉ của văn hóa, văn học Việt Nam.

Chương trình “Thiền thi mấy đóa” giới thiệu một số bài thơ thiền tiêu biểu của các thiền sư, các hoàng đế, các nho gia trong lịch sử văn học Trung đại Việt Nam, như: “Cáo Tật thị chúng” của thiền sư Mãn Giác, “Hữu vô” của thiền sư Đạo Hạnh và “Cư trần lạc đạo” của vua Trần Nhân Tông, “Chùa Một Cột” của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, “Lên tháp Điều Ngự” của vua Minh Mạng, “Tiếng chuông Thiên Mụ” của vua Thiệu Trị và “Qua chùa Thiên Mụ” của vua Tự Đức…

Qua phần diễn ngâm của NSND.Thanh Hoài cùng các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, khán giả lắng đọng với những cung bậc cảm xúc về một loại hình thi ca đặc sắc trong di sản nghệ thuật của dân tộc.

Tin, ảnh: MINH HIỀN