leftcenterrightdel
 Bò xông khói được bán ở cửa hàng nông sản Lan Chi tại thị trấn A Lưới

Anh Lâm kể, anh làm nghề du lịch nên đã được ăn thịt bò tươi ở A Lưới. Tình cờ một lần mua bò xông khói từ gian hàng đặc sản tại địa phương này, anh mang về gia đình ăn thử và thấy rất ngon. “Bò xông khói A Lưới còn giữ mùi thơm nguyên bản, thớ thịt mềm, xé bằng tay rất dễ chứ không khô cứng như những nơi khác”, anh Lâm nhận xét.

Tại Huế, mặt hàng này cũng chiếm được cảm tình của thực khách. Chị Nguyễn  Mỹ Hiền (Thủy Bằng, Hương Thủy) bảo trước tết, nhận được hàng, chị mang áp chảo cho nóng như hướng dẫn. Thịt này xé chấm muối ớt đồng bào làm hoặc tương ớt ăn rất ngon. Chị Hiền nói: “Món ăn này không có sẵn nên mình mua một lúc mấy gói bỏ tủ lạnh và đãi khách đến nhà chơi. Nếu có đại lý ở dưới thành phố thì sẽ rất tiện và chắc chắn được nhiều người ủng hộ”.

Địa hình đặc thù độ cao 680m-1150m, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng và phương thức chăn nuôi khiến thịt bò A Lưới thơm, ngon, ngọt mềm. “Thịt bò vàng A Lưới” được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể. UBND tỉnh đã cấp chứng nhận OCOP 3 sao cho sản phẩm này. Mới đây, UBND huyện đã công bố nhãn hiệu tập thể “Thịt bò vàng A Lưới” được chứng nhận bảo hộ quốc gia.

Năm 2012, chị Hồ Chị Diệu Chi cùng gia đình thử nghiệm làm thử heo một nắng, bò một nắng, trâu một nắng thăm dò thị trường. Năm 2017, chị đầu tư bài bản và xây lò quy mô chuyển sang làm bò xông khói. Mẻ thịt xông khói đầu tiên được khách hàng Hà Nội mua toàn bộ. “Thừa thắng xông lên”, chị tiếp tục làm nhiều hơn. “Nhớ nhất lúc mở quầy hàng, một nữ du khách Huế thấy mình đang sắp xếp sản phẩm thịt bò xông khói đóng gói liền đến hỏi, ăn thử. Thấy ngon, cô ấy cùng các vị trong đoàn khen và mua mang về nhiều. Cảm giác nhìn khách ăn, nhấm nháp thử vị và khen là mình thấy vui lắm”, chị Chi kể.

Qua nhiều năm, kinh nghiệm cho thấy chỉ có dùng thịt bò giống bản địa ở A Lưới sản phẩm mới thơm ngon, mềm. Thịt bò xông khói của gia đình chị Chi chỉ dùng muối, ớt, sả với tỷ lệ nhất định, ướp qua đêm, ngoài ra không bỏ thêm gì khác nhằm giữ nguyên hương vị thịt bò. Tất cả dùng than củi xông trong lò thủ công từ 5h sáng đến 5h chiều. “Vất vả nhất là phải canh cho lửa đều để thành phẩm đến tay khách hàng nhìn mặt ngoài láng, thớ đều, thấm vị. Mỗi lần làm, phải thuê thêm người canh độ nóng lửa cho đều, theo dõi chất lượng thịt. Nhằm tiết kiệm thời gian, công sức, gia đình chị thử dùng máy sấy, song bò bị khô và xơ sợi, mất mùi thơm nguyên bản.

Hiện bò xông khói đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành; trong đó, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp đặt hàng nhiều nhất. Cơ sở đang cố gắng giữ giá bò xông khói ở mức ổn định 900 ngàn đồng/kg, dù giá thịt bò tươi đang tăng.

Chị Diệu Chi cho hay, sản phẩm này hiện đang trong quá trình làm thủ tục đăng ký OCOP xã Hồng Thượng. Bò xông khói được bán ở cửa hàng nông sản Lan Chi tại thị trấn A Lưới và nhận giao hàng tận nơi theo yêu cầu của khách.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, ngoài thịt tươi, các sản phẩm khác được làm từ thịt bò A Lưới còn khá ít khiến việc bảo quản, vận chuyển đặc sản này không hề dễ dàng. Bò xông khói góp phần lan tỏa thương hiệu cho thịt bò A Lưới. Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, phòng đang hướng dẫn cơ sở hoàn thiện các thủ tục, chuẩn hóa tiêu chí. Trên cơ ở đó sẽ nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm bò xông khói để có mã số, mã vạch, đáp ứng các tiêu chí chất lượng, qua đó thẩm định mức sao tương ứng cho sản phẩm OCOP.

Bài, ảnh: Linh Tuệ