Những khu mua sắm có bố trí chỗ đỗ ô tô như khu vực Big C trước đây (nay là Go! Huế) là vô cùng lợi thế |
Xã hội phát triển, từ chỗ mơ có chiếc xe đạp tử tế, rồi đến mơ có chiếc xe máy, bây giờ là mơ có chiếc ô tô. Đó là những niềm mơ chính đáng. Và rất mừng, đến bây giờ thì xe đạp, xe máy đã là điều quá đỗi bình thường, rất nhiều niềm mơ có ô tô đã thành hiện thực.
Người tậu được cho mình chiếc ô tô là cả niềm vui, lại vô cùng hữu dụng khi cần phải đi xa cùng gia đình, hoặc là di chuyển khi gặp tiết trời ngày mưa tháng giá. Tuy nhiên, có ô tô rồi cũng sinh ra lắm nỗi ưu phiền, bất tiện. Ưu phiền, bất tiện không phải là do những chi phí tăng thêm về xăng nhớt, về các loại phí này phí nọ. Mà ưu phiền nhất chính là chỗ đậu, đỗ. Chỗ đậu đỗ khi dùng xong đánh xe về nhà ở đây xin chưa đề cập, vì nó là cả câu chuyện… nhiều chuyện để bàn. Chỉ xin nói về việc đậu, đỗ trong quá trình đánh xe “chạy tới chạy lui” thường nhật bên ngoài.
Theo luật, chỗ nào không có biển cấm, không cản trở giao thông, không thuộc trường hợp quy định cấm đậu, cấm đỗ (như ở các vị trí dành cho người đi bộ, chỗ dành cho xe buýt ghé vào đón khách, ở trên cầu, trên đường cao tốc, trước cổng công sở…) thì các bác tài có quyền được đậu, đỗ ô tô. Tuy nhiên, thực tế lại không bao giờ đơn giản như vậy. Ngoài những chỗ có biển cấm, những vị trí quy định không được phép đậu đỗ đã đành, người có ô tô đôi khi phải mướt mồ hôi mới có thể tìm được cho mình chỗ đậu, đỗ xe để chờ người cùng đi, hoặc là để bản thân ghé vào một địa chỉ mua sắm, thăm người quen, liên hệ công việc, khám chữa bệnh...
Mướt mồ hôi không phải bởi trên tuyến đường ấy đã hết chỗ đậu, đỗ xe, mà đơn giản chỉ là do bị các chủ nhà, các chủ cửa hàng, cửa hiệu xua đuổi. Họ cho rằng đậu, đỗ xe như vậy là choán mặt tiền, là cản trở việc đi lại, làm ăn của họ, cho dù tuyến đường ấy có lề rộng, và không ai kém ý thức đến mức đậu, đỗ ngay vị trí lên xuống bờ lề dẫn vào nhà, hàng quán của họ cả. Nói lý, cự cãi chỉ thêm phiền, đôi lúc lại còn sinh sự không hay, nên đa phần các bác tài đều cam chịu mà lảng đi. Cũng là người may mắn tậu được ô tô, nên tôi cũng được nhiều lần nếm trải cái cảm giác mướt mồ hôi như trên vừa kể. Thế cho nên, trừ khi quá lạnh lẽo gió mưa, hay chỉ “một cung đường 2 điểm đến: nhà - cơ quan”, hoặc là phải đi đâu đó xa xa, còn không, tôi cứ xe máy mà chạy cho cơ động và khỏi… nhức đầu phiền muộn.
Ở những tuyến phố có mua bán làm ăn đã vậy, điều đáng nói là kể cả ở những tuyến đường vắng vẻ, rộng rãi, vẫn có những gia đình hành xử kiểu rất cảm tính nói trên. Có gia đình còn “chơi” chiến lược bằng cách đặt chướng ngại vật như gạch đá, chậu cây ở phần lề đường chạy dọc theo bờ rào nhà mình để ngăn không cho ô tô đậu, đỗ; thậm chí có nhà còn đặt hàng rào sắt, hoặc là đúc/xây chết các chướng ngại vật ở phần bờ lề như vừa kể. Chẳng biết họ dựa theo quy định pháp luật nào, và lạ là hình như cũng chẳng thấy công an, cảnh sát khu vực hay cơ quan đô thị nào nhắc nhở, buộc tháo dỡ (?!)
Người có ô tô phải chấp hành những quy định của pháp luật đối với ô tô, nhưng xã hội và những người xung quanh cũng cần phải “đối xử” với ô tô đúng theo quy định của pháp luật chứ không nên “hàm hồ”, cảm tính. Như thế mới sòng phẳng! Ở tầm chiến lược vĩ mô, tin chắc chính quyền sẽ có giải pháp cho cả giao thông động lẫn giao thông tĩnh. Nhưng trước khi giải pháp định hình và đi vào thực tiễn, mong rằng mọi người hãy ứng xử với chuyện đậu, đỗ ô tô dựa trên căn bản của pháp luật. Đừng nên có thái độ bực dọc, “kỳ thị” với ô tô và người có ô tô, vì như thế cảm giác hơi khôi hài, và xã hội bao giờ mới phát triển?