leftcenterrightdel
 

Món cơm nắm được chế biến rất đơn giản. Gạo đem nấu chín (như nấu cơm), nắm chặt lại thành từng nắm to, khi ăn cắt ra thành từng lát chấm với muối mè. Rõ ràng với cách thức như vậy thì ai mà không làm được. Tuy nhiên, để nấu đúng cách và đạt tới yêu cầu về chất lượng thì cũng không đơn giản. Gạo phải tương đối ngon, có độ dẻo và thơm, khi nấu lượng nước hơi già, khi chín hạt cơm nở hơn cơm thường ăn hằng ngày, có độ dẻo. Sau đó cho cơm vào một chiếc khăn sạch đã nhúng nước lạnh và vắt ráo, rồi cuốn lại, dùng hai nắm ép lại thật chặt. “Khi đã chắc như cơm nắm” thì mở khăn ra cho cơm nắm nguội dần. Nếu chưa ăn liền hoặc cần mang cơm đi đâu đó (ra đồng, đi chơi, hành quân, dã ngoại...) thì người ta gói nắm cơm trong lá chuối đã hơ qua lửa hoặc gói vào chiếc mo cau. Và cũng không quên chuẩn bị gói muối mè. Thế là đã chuẩn bị xong một món ăn rất đơn giản. Cơm nắm cắt ra từng lát mịn màng, chấm với muối vừng thơm phức, nhai chậm từng miếng nhấn nha. Quả là thật tuyệt. Vừa bùi, vừa béo, vừa đậm đà…

Món ăn có vẻ “con nhà nghèo” này thực chất là một món ăn đáp ứng cơ bản về những yêu cầu dinh dưỡng có đủ chất bột, đạm, béo, đường, vitamin… Bao đời nay cơm nắm muối mè đã là một thứ không thể thiếu được trong hành trang của ông cha ta trong mọi hoàn cảnh. Mo cơm vắt đã từng giúp cho các chiến sĩ ấm bụng, no lòng trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ oai hùng: Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu).

Hôm vừa rồi có một chuyến du xuân về một miền núi với non xanh, suối mát, sơn thủy hữu tình. Bất ngờ cô bạn trong đoàn làm cho tôi bất ngờ về món “cơm nắm muối mè”. Trong lúc nghỉ chân trên chặng đường rong ruổi thưởng cảnh nửa chừng, mọi người mở “lương thực, thực phẩm” của mình ra để nạp năng lượng cho cuộc hành trình. Giữa bao nhiêu thức ăn được coi là cao lương mỹ vị, đắt tiền, chế biến công phu thì cô mở cái mo cau, bên trong là nắm cơm vắt được gói thêm lá chuối. Nắm cơm vắt, muối mè của cô mới ngon làm sao, vừa thơm ngon, hợp khẩu vị, dễ ăn, nghe mát và dễ chịu lạ thường. Đúng là một món ăn chống ngán sau những bữa ê hề thịt cá.

Ăn xong, tôi nhớ mo cơm của mẹ ngày xưa, cái thời đi học xa nhà, rồi nắm cơm vắt của bạn bè bẻ cho trong những ngày đi lao động, tăng gia sản xuất trong những năm kinh tế đất nước rơi vào hoàn cảnh khó khăn những năm 1979-1985 do nhà trường tổ chức. Nắm cơm sao mà ngon, sao mà quý! Hình như có lúc ta đã vô tình quên món ăn này vì cho rằng đó là dấu tích của những ngày lam lũ? Bất giác tôi nhớ đến câu thơ ông tôi hay đọc thuở nào: “Tuổi thơ cơm nắm muối vừng. Cho con dáng vóc lẫy lừng hôm nay”.  

Tôi miên man nghĩ, mai đây trong các hành trình tham quan danh lam, thắng cảnh đất nước, hay những chuyến dã ngoại thì trong hành trang của chúng ta có mo “cơm nắm muối mè” với tàu chuối xanh. Hay các điểm dịch vụ khách du lịch dừng chân, trong các món ẩm thực của mình cũng nên có thêm món cơm vắt muối mè để giới thiệu và phục vụ khách. Món cơm nắm muối mè vừa thơm, vừa ngon. Món cơm dân giã, đậm chất hồn quê hương, gợi nhớ một thời…

LÊ VĂN HUÂN