Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken - Ảnh: AFP |
Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thăm Việt Nam từ ngày 14 tới 16/4. Đây là một phần trong chuyến công tác của ông Blinken tới Anh, Ireland, Việt Nam và Nhật Bản từ ngày 11 tới 18/4. Được biết, ông Blinken sẽ tới Việt Nam trong ngày 14/4, trước khi có các hoạt động chính thức tại Hà Nội một ngày sau đó.
Thúc đẩy quan hệ với Việt Nam
Giới quan sát đang chú ý vào hai điểm nhấn kỳ vọng từ chuyến đi của ngoại trưởng Mỹ. Thứ nhất, theo thông tin từ phía Mỹ, ông Blinken sẽ tới Hà Nội với trọng tâm thúc đẩy "các cuộc thảo luận quan trọng với các đối tác Việt Nam trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện".
Quan hệ Việt - Mỹ đã chứng kiến nhiều kết quả tích cực trong nhiều năm qua. Ngày 10/4, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink nhấn mạnh vai trò của Việt Nam như một trong những đối tác kinh tế quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực.
Ông Daniel Kritenbrink trích dẫn số liệu cho thấy thương mại hai nước đã vượt mốc 100 tỉ USD trong năm 2022. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ. Điều này khiến Việt Nam trở thành lựa chọn tốt cho các công ty Mỹ mong muốn đa dạng hóa lựa chọn thương mại và đầu tư, giảm bớt lệ thuộc vào nguồn sản phẩm và sản xuất của Trung Quốc.
Chuyến đi của ông Blinken cũng được lên lịch không lâu sau khi Tổng thống Biden có cuộc điện đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 29/3. Giới quan sát cho rằng các diễn biến gần đây đang mở đường cho khả năng ông Biden sắp thăm Việt Nam. Vì vậy, đây cũng là câu chuyện nhận được nhiều sự quan tâm khi nói về các kết quả cụ thể sau sự kiện ngoại trưởng Mỹ đến Việt Nam lần này.
Việt Nam và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Sau khi tới Việt Nam, ngoại trưởng Mỹ sẽ tới thị trấn Karuizawa (tỉnh Nagano, Nhật Bản) để dự Hội nghị ngoại trưởng các nền kinh tế lớn G7. Theo thông cáo của Mỹ, các ngoại trưởng G7 sẽ thảo luận về phương hướng cho một loạt vấn đề toàn cầu, bao gồm: tình hình Ukraine, giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh lương thực và năng lượng, cũng như "thúc đẩy tầm nhìn tích cực về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Một số ý kiến cho rằng chuyến đi Việt Nam của ông Blinken lần này cũng nằm trong kế hoạch tổng thể của Mỹ về việc tiếp tục thúc đẩy các chương trình liên quan tới chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm hợp tác an ninh, thương mại, cũng như các thảo luận về sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF).
Trong thông báo trước chuyến đi, phía Mỹ cũng nói ông Blinken sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao của Việt Nam để trao đổi tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương kết nối, thịnh vượng, hòa bình và có sức chống chịu mạnh mẽ.
Bàn về vấn đề này, ông Kritenbrink cũng nhận xét Mỹ và Việt Nam "gần như hoàn toàn song hành về một kiểu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà chúng tôi muốn thấy". Theo ông Kritenbrink, các điểm chung như mong muốn xử lý tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế là nền tảng trong mối quan hệ mới mà Mỹ và Việt Nam muốn xây dựng.
Lãnh đạo Việt Nam luôn khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa. Một số ý kiến cho rằng chuyến đi của ông Blinken sẽ mang tới một số kết quả hợp tác về an ninh hàng hải và kinh tế, nhưng không ảnh hưởng tới chiến lược tổng thể của Việt Nam.
Phát biểu của ông Kritenbrink có thể phản ánh việc Mỹ tôn trọng quan điểm của Việt Nam và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự tương tác các cấp giữa Mỹ và Việt Nam về vấn đề này vì vậy chính xác sẽ tập trung vào việc tìm ra một "kiểu" Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà hai bên đều mong muốn.