leftcenterrightdel
Việc tăng thêm 50 tỷ USD cho các khoản vay từ IBRD được xem là “cơ hội lịch sử” để mang lại nguồn tài chính cần thiết cho các nước đang phát triển 

Động thái này vừa được công bố trong kỳ họp mùa xuân thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới đang diễn ra tại Washington, là một phần trong tiến trình phát triển của WB nhằm thúc đẩy các nỗ lực giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, đại dịch, xung đột…

Cũng trong ngày 12/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi Ngân hàng Thế giới tiếp tục thực hiện các biện pháp cải tổ bổ sung trong năm nay.

“Chúng ta nên sử dụng thời gian còn lại trong năm để thực hiện các cải tổ bổ sung thông qua cách tiếp cận thực hiện theo từng giai đoạn”, bà Yellen phát biểu tại cuộc thảo luận về sự phát triển của các ngân hàng phát triển đa phương.

Dấu hiệu tiến bộ

Chủ tịch Malpass, người đã tuyên bố từ chức hồi tháng 2 và sẽ kết thúc sớm nhiệm kỳ vào cuối tháng 6 tới, cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày hôm qua rằng các cuộc thảo luận với các thành viên trong tuần này đã “mang lại những dấu hiệu tiến bộ” về các vấn đề bao gồm nhu cầu minh bạch hơn về nợ, nguồn tài chính lớn hơn và hành động khí hậu có hiệu quả hơn.

“Các quốc gia thành viên của chúng tôi đã tán thành các biện pháp có thể tăng thêm 50 tỷ USD khả năng cho vay của IBRD trong 10 năm tới”, ông nói. Đây sẽ là một nguồn lực đáng kể, đánh dấu mức tăng 20% trong mức cho vay bền vững của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế IBRD – một nhánh của WB chuyên cung cấp các khoản vay cho những nước có thu nhập trung bình.

Chủ tịch WB cũng nhấn mạnh rằng với khả năng tài chính đang “thiếu rất nhiều so với nhu cầu về nguồn lực cho phát triển và chống biến đổi khí hậu”, việc giải quyết những nhu cầu này sẽ đòi hỏi các nỗ lực chung toàn cầu, trong đó các nguồn lực ưu đãi và đầu tư của khu vực tư nhân cũng có vai trò rất quan trọng.

Được biết, Uỷ ban Phát triển này đã vạch ra những thay đổi “cung cấp nền tảng cho sự phát triển hơn nữa”, bao gồm tái khẳng định việc chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực và thúc đẩy phát triển vẫn là trọng tâm của Ngân hàng Thế giới, nhưng những nỗ lực hướng tới những mục tiêu này đòi hỏi phải “tập trung mạnh mẽ hơn vào tính bền vững, khả năng phục hồi và tính toàn diện”.

Cơ hội lịch sử

Tham dự kỳ họp thường niên lần này của WB và IMF, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho rằng đang có một “cơ hội lịch sử” để mang lại nguồn tài chính cần thiết cho các nước đang phát triển - thông qua cải tổ các thể chế cho vay đa phương.

Ông cũng nhấn mạnh hơn nữa sự cần thiết phải thu hẹp khoảng cách đang ngày càng tăng giữa các nước phát triển và đang phát triển, khi tình hình hiện nay đã trở nên “thực sự nghiêm trọng”.

Một vấn đề quan trọng khác trong chương trình nghị sự của kỳ họp mùa xuân năm nay là tái cơ cấu nợ. Theo AFP, các nhà lãnh đạo tại hội nghị bàn tròn về nợ có chủ quyền toàn cầu ngày 12/4 cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa để giúp đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nợ.

Hội nghị bàn tròn về nợ do IMF, Ngân hàng Thế giới và Ấn Độ - quốc gia hiện đang giữ chức chủ tịch G20, đồng chủ trì.

BẢO NGHI (Lược dịch từ AFP)