leftcenterrightdel
 Nông dân đang làm việc trên một cánh đồng tại tỉnh Aceh, Indonesia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo cơ quan lương thực của Liên Hiệp Quốc (LHQ), hơn một phần ba số phụ nữ làm việc trên thế giới được tuyển dụng trong các hệ thống nông sản, bao gồm sản xuất các nông sản thực phẩm và phi thực phẩm; cũng như các hoạt động liên quan, từ lưu trữ, vận chuyển và chế biến cho đến phân phối thực phẩm.

Tuy nhiên, trong một báo cáo mới vừa được công bố, FAO cho rằng, sự bất bình đẳng giới, như phụ nữ ít được tiếp cận hơn với kiến thức và nguồn lực, cùng với gánh nặng chăm sóc không được trả lương cao hơn, chiếm 24% khoảng cách về năng suất giữa nông dân nữ và nam trong các trang trại có quy mô ngang nhau.

Bên cạnh đó, lao động nữ trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được trả lương thấp hơn gần 20% so với lao động nam.

Trong một nhận định liên quan, Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu lưu ý: “Nếu chúng ta giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới phổ biến trong các hệ thống nông sản và trao quyền cho phụ nữ, thì thế giới sẽ có một bước nhảy vọt trong việc giải quyết các mục tiêu xóa bỏ nghèo đói, và tạo nên một thế giới không còn nạn đói”.

Cũng theo FAO, việc thu hẹp khoảng cách giới trong năng suất nông nghiệp và khoảng cách tiền lương trong việc làm nông nghiệp sẽ giúp “tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu thêm gần 1 nghìn tỷ USD, đồng thời giảm 45 triệu người trong tình trạng mất an ninh lương thực”.

Báo cáo của FAO cũng nhấn mạnh, khả năng tiếp cận đất đai, các dịch vụ, tín dụng và công nghệ kỹ thuật số của phụ nữ tụt hậu so với nam giới, trong khi gánh nặng chăm sóc không được trả lương cao hơn đã hạn chế cơ hội giáo dục, đào tạo và việc làm của họ.

Trong đó, cơ quan lương thực của LHQ lập luận: “Những thách thức đối với việc làm đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ trong các hệ thống nông sản làm hạn chế năng suất của họ, và duy trì khoảng cách tiền lương”.

Báo cáo cho rằng, việc tạo ra một sân chơi bình đẳng về năng suất nông nghiệp và tiền lương nông nghiệp sẽ bổ sung thêm 1% vào GDP toàn cầu, tương đương gần 1 nghìn tỷ USD, và giảm 2 điểm phần trăm tình trạng mất an ninh lương thực, mang lại lợi ích cho 45 triệu người.

Đây được xem là một dự báo nổi bật vào thời điểm mà nạn đói toàn cầu đang gia tăng. Theo ước tính của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ, hơn 345 triệu người trên toàn thế giới phải đối mặt với mức độ khủng hoảng về mất an ninh lương thực trong năm nay, tăng gần 200 triệu người kể từ đầu năm 2020.

THANH NGÂN (Lược dịch từ UN News)